Trẻ bị viêm phổi có được tắm không? Lưu ý khi tắm cho trẻ

Trẻ bị viêm phổi có được tắm không? Nên tắm cho trẻ trong bao lâu? Cần lưu ý gì khi tắm cho trẻ bị viêm phổi?… là băn khoăn của nhiều Ba Mẹ khi con bị viêm phổi. Trẻ bị viêm phổi có thể tắm để dễ chịu hơn, tuy nhiên thao tác tắm đúng cách là vô cùng quan trọng, để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục, tránh biến chứng nghiêm trọng, nguy cơ suy hô hấp, tử vong.

tre bi viem phoi co duoc tam khong

Vì sao trẻ dễ bị viêm phổi?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Các phế nang, đường dẫn khí trong phổi có thể chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Có nhiều tác nhân gây ra bệnh viêm phổi, nhưng thường do vi khuẩn, virus và nấm. Viêm phổi có nhiều mức độ khác nhau từ viêm nhẹ, đến viêm nặng. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ có miễn dịch kém.

Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối tượng dưới 2 tháng tuổi, là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF, mỗi năm có 150 triệu đợt viêm phổi ở trẻ em tại các nước đang phát triển, trong đó có khoảng 11 triệu trẻ nhập viện. Viêm phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi ngày, có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn cầu. Thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2,9 triệu trẻ mắc và khoảng 4.000 trẻ tử vong vì viêm phổi. Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi chiếm đến 30-35% các trường hợp thăm khám và điều trị. (1)

Môi trường ô nhiễm, thời tiết giao mùa, độ ẩm cao, virus, vi khuẩn động lực cao phát triển mạnh cộng với khả năng thích nghi kém là những yếu tố chính khiến trẻ em dễ mắc viêm phổi, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, vui chơi, học tập, sức khỏe và tính mạng trẻ.

BS Trương Hữu Khanh cho biết, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện, đường hô hấp nhỏ hẹp và ngắn, dẫn đến khi trẻ gặp một vài vấn đề về sức khỏe phải thở bằng miệng, không khí không được đi qua mũi để sưởi ấm và lọc sạch. Lúc này, mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào mũi, miệng, họng,… gây phù nề niêm mạc đường thở, lan rộng tình trạng viêm và khiến trẻ bị khó thở.

Mặt khác, lá phổi là trung tâm của hệ hô hấp của trẻ nhưng rất yếu, ít đàn hồi, màng phổi mỏng khiến trẻ dễ bị viêm nhiễm. Bệnh viêm phổi ở trẻ nguy hiểm hơn các bệnh đường hô hấp khác với biến chứng nhanh, đột ngột, nguy cơ gây suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Những biểu hiện của trẻ bị viêm phổi mẹ cần biết

Những biểu hiện viêm phổi ở trẻ diễn tiến khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như loại vi khuẩn, virus gây bệnh, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của trẻ, thậm chí có trẻ không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Các dấu hiệu và triệu chứng trẻ bị viêm phổi thường nhẹ và dễ nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc cúm, nhưng điểm khác biệt dấu hiệu đó có thể kéo dài hơn.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ mà bố mẹ cần biết bao gồm:

  • Khó thở, thở nhanh, thở rít;
  • Sốt cao, co giật;
  • Đau ngực khi thở hoặc ho;
  • Ho, ho có đờm;
  • Bứt rứt, mệt mỏi;
  • Đổ mồ hôi và ớn lạnh;
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy;
  • Trẻ khó thở, bỏ bú, bỏ ăn;
  • Tím tái, li bì, rút lõm lồng ngực;

BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực, tức là khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị cơ này kéo lõm thay vì nở ra như bình thường, xuất hiện dấu hiệu này thì viêm phổi đã trở nặng, cần khẩn cấp đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm phổi ở trẻ rất nguy hiểm, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm phổi có thể ngăn chặn tình trạng biến chứng, giảm thiểu nguy cơ tử vong cho trẻ.

trieu chung tre bi viem phoi
Việc phát hiện sớm các triệu chứng viêm phổi giúp ngăn chặn biến chứng nguy hiểm ở trẻ

Trẻ bị viêm phổi có tắm được không?

ĐƯỢC! Những triệu chứng của viêm phổi có thể khiến phụ huynh lo lắng không dám để cơ thể trẻ tiếp xúc với nước vì lo ngại tình trạng bệnh sẽ nặng thêm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyên, nếu trẻ đang bị viêm phổi nhưng không sốt cao thì vẫn có thể tắm cho trẻ bình thường.

Trên thực tế, tắm rửa được xem như một liệu pháp xông hơi hiệu quả. Hơi nước ấm được hít vào vùng xoang và ngực có khả năng làm loãng đờm, giúp làm sạch đường thở của trẻ, giúp phản xạ ho nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Không chỉ thế, tắm nước ấm cũng có thể xoa dịu cơ thể đang khó chịu của trẻ, giúp trẻ dễ chịu và bớt quấy khóc. Tắm sạch sẽ, khô thoáng rất cần thiết để đảm bảo trẻ không nhiễm thêm các loại virus, vi khuẩn khác.

Những điều cần lưu ý khi tắm cho trẻ bị viêm phổi

Mặc dù có thể tắm cho trẻ bị viêm phổi, tuy nhiên, trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ ốm là đối tượng vô cùng nhạy cảm nên phụ huynh cần đảm bảo quá trình tắm cho trẻ đúng nguyên tắc để tình trạng bệnh không trở nên nghiêm trọng hơn.

Có nên tắm cho trẻ hằng ngày không?

KHÔNG! Đối với trẻ bị viêm phổi, trẻ chỉ cần được tắm bằng nước ấm với tần suất 1 – 2 lần/ 1 tuần là đủ. Những ngày còn lại, bố mẹ có thể dùng khăn ấm để rửa mặt, cổ, tay và vùng nhạy cảm (làm sạch các kẽ trên da) để giúp trẻ bớt khó chịu.

Nên tắm cho trẻ trong bao lâu?

Trẻ bị viêm phổi, cơ thể đang rất yếu nên không được tắm quá lâu. Thời gian lý tưởng nhất để tắm cho trẻ là 5 – 7 phút. Nếu thời gian tắm kéo dài hơn 7 phút có thể khiến trẻ bị mất thân nhiệt, bị nhiễm lạnh và làn da trở nên khô, nhạy cảm hơn.

Các điểm cần lưu ý khi tắm cho trẻ viêm phổi

  • Khi tắm cho trẻ, bố mẹ cần chọn thời điểm trẻ tỉnh táo nhất. Tốt nhất không nên tắm cho trẻ khi vừa bú xong hoặc đang bị đói, mệt.
  • Cho trẻ tắm trong phòng ấm áp, kín gió, không sử dụng điều hòa, quạt máy. Có thể cân nhắc sử dụng máy sưởi khi tắm cho trẻ vào mùa đông.
  • Để rút ngắn thời gian, cần chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trước khi tắm: khăn tắm, bông gòn, tã mới, quần áo sạch.
  • Luôn tắm nước ấm cho trẻ, nhiệt độ tốt nhất là 38 độ C.
  • Không gội đầu cho trẻ. Không thêm chất tẩy rửa nào vào nước tắm, nước sạch tốt nhất cho làn da của trẻ trong tháng đầu tiên.
  • Để tránh hiện tượng bốc hơi gây nhiễm lạnh cho trẻ, cần lau khô người trẻ, lau khô bằng khăn có chất liệu thấm hút tốt và mặc quần áo cho trẻ ngay sau khi tắm.
luu y khi tam cho tre bi viem phoi
Tắm cho trẻ bị viêm phổi là cần thiết nhưng cần cẩn thận và tắm đúng cách để tránh trẻ nhiễm lạnh

Cách lau người cho trẻ

Trong trường hợp tắm cho trẻ bị viêm phổi, Bố Mẹ có thể làm sạch sẽ cơ thể trẻ bằng cách áp dụng cách lau người sau:

  • Bước 1: Bế trẻ trên đầu gối hoặc cho trẻ nằm trên một tấm thảm. Cởi quần áo (trừ tã) và quấn trẻ trong khăn.
  • Bước 2: Nhúng bông gòn vào nước (vắt nhẹ để bông gòn không sũng nước) và lau nhẹ nhàng quanh mắt bé từ mũi hướng ra phía ngoài. Mỗi mắt dùng một miếng bông gòn riêng; giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng từ mắt này sang mắt khác.
  • Bước 3: Dùng miếng bông gòn mới để lau xung quanh tai của con, nhưng không lau bên trong tai. Không được dùng tăm bông để làm sạch bên trong tai của trẻ.
  • Bước 4: Sử dụng bông gòn ẩm để làm sạch các phần còn lại trên mặt, cổ, tay, và nách, sau đó lau khô nhẹ nhàng bằng khăn.
  • Bước 5: Cởi tã và rửa vùng mông và vùng kín của trẻ bằng bông gòn sạch và nước ấm. Lau khô cẩn thận, kể cả giữa các nếp gấp da và mặc tã sạch.

Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị viêm phổi

1. Nguyên tắc

Để tắm cho trẻ bị viêm phổi mà không làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh, Bố Mẹ cần nhớ những nguyên tắc dưới đây:

  • Thời gian tắm không quá lâu khoảng 5-7 phút;
  • Tắm ở nơi kín gió, không tắm vào buổi tối;
  • Chỉ nên tắm 1-2 lần/ tuần;
  • Đảm bảo nhiệt độ nước tắm phù hợp;
  • Làm khô cơ thể bé ngay sau khi tắm;
  • Khi trẻ sốt cao không nên tắm

2. Cách tắm cho bé

Trước khi tắm cho bé

  • Bố Mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ gồm chậu tắm sâu lòng, xà bông, cốc nhựa, khăn lau, bỉm, quần áo sạch và đảm bảo phòng tắm đủ kín gió, ấm áp để bé không bị nhiễm lạnh.
  • Điều chỉnh nhiệt độ nước tắm phù hợp. Nước ấm sẽ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu, thoải mái, đồng thời giúp trẻ giảm một số triệu chứng như ho, khò khè, chảy nước mũi,…
  • Ngoài ra, Bố Mẹ có thể pha nước gừng, lá trà xanh để giúp tăng hiệu quả giảm ho, giữ ấm cho trẻ: Giã gừng nhỏ, cho vào 1 bát nước sôi, để chừng 10 phút, sau đó pha cả gừng và nước gừng vào chậu nước tắm ấm.

Trong khi tắm cho trẻ

  • Trước khi đặt trẻ vào chậu nước ẩm, Bố Mẹ cần vệ sinh sạch vùng kín cho trẻ trước.
  • Tiếp đó, nhẹ nhàng hạ cơ thể trẻ xuống chậu tắm, cần kê cao đầu và lưu ý không để phần cơ thể trẻ ngập dưới nước, mà Bố Mẹ có thể phủ bằng một chiếc khăn ấm hoặc liên tục vớt nước lên, tránh cho trẻ bị lạnh.
  • Bố Mẹ dùng tay mát – xa lưng và ngực để trẻ thoải mái.

Sau khi tắm cho bé

  • Ngay khi tắm xong, nâng trẻ ra ngoài, đặt vào khăn lông và lau khô.
  • Sau khi lau người, đội mũ, mặc quần áo và đóng bỉm cho trẻ. Không nên mặc quá nhiều quần áo cho trẻ, nên chọn những bộ quần áo có chất liệu mềm mại, thấm mồ hôi để tránh việc trẻ ra nhiều mồ hôi, ẩm thấm ngược trở lại cơ thể gây cảm.
  • Bố Mẹ có thể dùng tinh dầu tràm thoa dưới gan lòng bàn chân, trước ngực và sau lưng để giữ ấm cho trẻ.

Bài viết trên đây đã cung cấp tất cả thông tin hữu ích về “Trẻ bị viêm phổi có tắm được không?”. Viêm phổi có thể tự khỏi, nhưng cũng có nhiều trường hợp biến chứng khôn lường, gây suy hô hấp, tử vong. Ngay lúc này, mỗi người nên chủ động phòng ngừa viêm phổi cho bản thân và gia đình bằng cách chủng ngừa đầy đủ, giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.