Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ như thế nào?

1. Định nghĩa và phạm vi nhiệm vụ của bác sĩ gia đình

1.1. Định nghĩa:

Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành. Những bác sĩ này có nhiệm vụ chính là chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh. Để hoàn thành tốt công việc, bác sĩ gia đình cần hiểu rõ:

  • Tình trạng sức khỏe từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ.
  • Tiền sử gia đình.
  • Lối sống của các thành viên.

bác sĩ gia đình

Bác sĩ gia đình sẽ giúp các thành viên trong gia đình quản lý sức khỏe tốt hơn

1.2. Nhiệm vụ:

Tùy theo chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề mà mỗi bác sĩ sẽ có những nhiệm vụ cụ thể khác nhau. Tuy nhiên về căn bản, những bác sĩ này đều có các nhiệm vụ sau:

  • Theo dõi liên tục sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
  • Chẩn đoán, xử trí các vấn đề sức khỏe thường gặp.
  • Thực hiện sàng lọc để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nguy hiểm của các thành viên trong gia đình.
  • Tư vấn về sức khỏe và cách phòng ngừa bệnh.

2. Lợi ích khi sử dụng dịch vụ bác sĩ gia đình

2.1. Giúp cải thiện cuộc sống của các thành viên trong gia đình tốt hơn:

Thông qua các bài kiểm tra sức khỏe đơn giản như đo huyết áp, kiểm tra lượng đường trong máu, nhịp tim,… bác sĩ gia đình sẽ biết được căn bản tình trạng sức khỏe hiện tại của các thành viên trong gia đình. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ tham khảo một số thông tin khác như tiền sử bệnh của gia đình, thói quen thường ngày, tính chất công việc hiện tại,… để đưa ra các lời khuyên giúp các thành viên trong gia đình điều chỉnh lối sống tốt hơn.

2.2. Phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của sức khỏe:

Một số bệnh lý nguy hiểm như các bệnh đường tiêu hóa, tim mạch, ung thư,… đều có tiến triển khá âm thầm. Ở giai đoạn đầu, hầu hết các bệnh đều không có triệu chứng rõ ràng hoặc giống với các bệnh lý thông thường. Khi đã đến giai đoạn giữa và cuối, các triệu chứng mới dần rõ ràng và gây nhiều ảnh hưởng tồi tệ đến sức khỏe người bệnh. Bác sĩ gia đình sẽ có nhiệm vụ giúp các thành viên trong gia đình quản lý sức khỏe nhằm tránh các tình trạng trên trên xảy ra.

bác sĩ gia đình

Bác sĩ gia đình sẽ cho bạn biết liệu tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn có đang ổn không

2.3. Tư vấn những vấn đề sức khỏe khó nói:

Một số vấn đề nhạy cảm như tình trạng phụ khoa, sinh hoạt vợ chồng, dậy thì,… khiến nhiều người khó nói khi đến các phòng khám. Trong trường hợp này, bác sĩ gia đình sẽ xem xét những yếu tố căn bản và giải đáp các khúc mắc của bạn. Nếu không có dấu hiệu gì bất thường, bác sĩ sẽ cung cấp các tư vấn để giúp bạn cải thiện các vấn đề trên.

2.4. Hỗ trợ tìm ra nguyên nhân bệnh nhanh chóng:

Thông thường nếu mắc một bệnh bất kỳ, đặc biệt là những bệnh nguy hiểm như ung thư, các bác sĩ chuyên khoa cần rất nhiều thời gian để thực hiện các xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp. Khi sử dụng dịch vụ bác sĩ gia đình, các thông tin chi tiết về sức khỏe đã được bác sĩ gia đình lưu trữ trước đó. Nếu mắc bệnh, bác sĩ gia đình có thể cung cấp các thông tin sức khỏe cho bác sĩ chuyên khoa, vì thế rút ngắn được thời gian tìm ra nguyên nhân và tăng tỷ lệ thành công cho quá trình điều trị.

2.5. Giúp tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị về sau:

Bác sĩ gia đình sẽ giúp các thành viên trong gia đình có thể cập nhật tình trạng sức khỏe tổng quát thường xuyên. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bác sĩ sẽ đề nghị bạn đến các bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các xét nghiệm chi tiết hơn nhằm tìm ra bệnh hoặc các yếu tố nguy cơ. Nhờ đó, bạn có thể tiết kiệm chi phí hơn so với khi chữa bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, đồng thời tăng khả năng chữa dứt bệnh hoàn toàn.

3. Làm thế nào để chọn được bác sĩ gia đình uy tín?

Để chọn dịch vụ bác sĩ gia đình chất lượng, đầu tiên bạn nên đến những địa chỉ phòng khám, bệnh viện uy tín có cung cấp dịch vụ bác sĩ gia đình. Bên cạnh tự mình lựa chọn, bạn cũng có thể nhờ người thân tư vấn. Khi đã chọn được địa chỉ và bác sĩ ưng ý, bạn nên đặt một số câu hỏi để xem dịch vụ hoặc bác sĩ có thật sự phù hợp với mình không. Sau đây là một số vấn đề gợi ý mà bạn có thể đề cập với người tư vấn dịch vụ:

  • Họ còn có bệnh nhân nào ở thời điểm hiện tại không?
  • Họ có chấp nhận bảo hiểm của bạn không?
  • Giờ làm việc của họ là khi nào?
  • Họ có giờ gọi điện không? Nếu có là từ mấy giờ đến mấy giờ?
  • Thời gian chờ đợi trung bình để lấy hẹn với bác sĩ là bao lâu?
  • Các danh mục khám trong phạm vi nhiệm vụ của họ gồm những gì?

Bác sĩ gia đình là dịch vụ mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, để chọn được dịch vụ chất lượng, bạn cần đến những phòng khám, bệnh viện uy tín để chọn được dịch vụ tốt. Đồng thời, khi có bất kỳ vấn để nào, bạn cũng nên trao đổi thẳng thắn đến bác sĩ để có phương án giải quyết nhanh chóng và phù hợp nhất.