Kính bạch Thầy! | Viện Chuyên Tu

lotus-05Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật _(())_

Kính bạch Thầy!

Mỗi khi trở về Viện Chuyên tu, con vui và có cảm xúc rất lạ khi được thấy các Phật tử thưa Thầy bằng hai tiếng “Sư phụ”. Tuy cùng một nghĩa, nhưng cách xưng hô như vậy nghe hay hơn, sâu sắc và đạo vị hơn cách con thưa mỗi khi gặp Thầy. Con thì chưa một lần thưa như vậy, không phải là do không quen mà là vì con tự nhận thấy mình chưa được phép.

Thấm thoắt vậy mà đã bốn năm trôi qua. Con còn nhớ năm đó, dù đã tốt nghiệp nhưng con vẫn là một đứa con “có lớn mà không có khôn” như bố mẹ đã từng nói- con đã có nhiều ý nghĩ khác người, vô cảm, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình, giận hờn vô cớ và hay lớn tiếng …Tính cách đó của con đã khiến mẹ rất lo lắng, mệt mỏi nhưng không biết chia sẻ cùng ai.

Phật pháp thật nhiệm mầu, từ khi con gặp Thầy, nghe các bài giảng của Thầy, được nghe những lời Thầy chỉ dạy ân cần đã giúp con nhìn nhận lại mình, suy xét những việc đã làm và thấy được con đã sai, đã mắc lỗi quá nhiều. Mỗi ngày con được nghe Thầy giảng là một ngày con có thêm kiến thức về nhân cách, về đạo đức, về lý tưởng, về mục tiêu, về phương pháp luận trong cuộc sống. Và từng ngày, từng ngày như vậy con đã mở mang, đã lý giải được những băng khoăn trước kia của con. Thầy đã giúp con tiếp cận, hiểu biết về Phật pháp mà bắt đầu từ những giáo lý căn bản nhất, những điều bình thường nhất, từ đó, con đã có những kiến giải nhất định, con đã dần tìm được niềm vui, niềm tin yêu trong cuộc sống đầy thăng trầm và biến dịch này. Con hiểu được rằng, được trở thành Phật tử, được học, được thực hành giáo lý của Đức Phật qua sự dạy dỗ ân cần nhưng rất đỗi nghiêm khắc của Thầy là bước ngoặt lớn nhất, ý nghĩa nhất đối với con từ trước đến nay.

Một đứa con gái ích kỷ, luôn thích hơn chúng bạn, hành động lúc nào cũng vội vàng, hay nóng giận… chỉ trong một khoảng thời gian không dài đã trở thành một cô gái biết lắng nghe, chia sẻ buồn vui với bố mẹ; biết nghĩ, lo cho mọi người trước khi nghĩ đến mình; biết chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với bạn bè, đồng nghiệp và hiểu sâu sắc về yêu thương và được yêu thương…Tất cả điều đó đều là nhờ sự giáo hóa, trưởng dưỡng của Thầy.

Thầy đã sẵn sàng dành thời gian lắng nghe những thắc mắc, những nỗi niềm của con cũng như mọi người; Thầy đã giảng cho chúng con cặn kẽ giáo lý nhân quả, nghiệp duyên…khuyên nhủ chúng con những điều cần phải làm và những điều cần phải dừng lại. Sự kiên nhẫn lắng nghe, chia sẻ của Thầy đã giúp chúng con vơi đi rất nhiều sự nặng nề của cảm xúc và tìm ra hướng đi mới tích cực hơn. Với con cũng như bao Phật tử thuộc các thế hệ của Viện Chuyên tu, Thầy là một vị giáo thọ thiện tri thức lớn của chúng con, đã dẫn dắt, dạy dỗ chúng con hiểu và thực hành theo đúng chính pháp. Những việc Thầy làm cho chúng con từ điều nhỏ nhất đến những điều to lớn, hết thảy đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến, thật cao quý và đáng trân trọng. Dẫu có nói muôn lời cảm ơn cũng không diễn tả được lòng biết ơn của chúng con đối với Thầy.

Trước những công ơn to lớn đó, con đã tự nhủ phải cố gắng rèn luyện, thực hành giáo lý nhiều hơn để báo đáp, tri ân Thầy. Nhưng trên thực tế con đã chưa làm được theo xác quyết đó, vẫn chưa thật làm tròn bổn phận, trách nhiệm của người Phật tử: Con vẫn còn ham vui theo bạn bè mà quên đi việc lớn đang chờ ở nhà; vẫn tự ái trước thái độ nghiêm khắc của bậc tiền bối; vẫn thiếu lời ái ngữ trong các diễn đàn; vẫn còn nhiều câu hỏi “tại sao mình không có như vậy mà người khác lại nói mình như vậy”; vẫn khó chịu khi thấy hiện tượng hơn thua, bè phái; vẫn thật buồn mà chẳng biết làm gì khi chứng kiến những điều thị phi, vẫn chưa nhẫn được những điều khó nhẫn…Sau mỗi lần như vậy, con đã tự hỏi “Phật tử như vậy liệu Thầy có buồn không?”. Con đã thật khổ tâm và thấy thật có lỗi. Có lẽ những dằn vặt đó đã khiến con chưa cho phép mình được gọi Thầy là Sư phụ.

Có câu chuyện kể rằng: Vào một chiều cuối thu, đầu đông, cách đây 3 tuần tại một Ngôi Chùa ngoại ô, có một chú Chuột 17 tháng tuổi (tên của chú là Tiểu Tiến, chú được một quý Thầy đón về nuôi từ khi Chú được 1 ngày tuổi được), lẫm chẫm chạy theo xe của Thầy chú, tay cầm khăn, tay cầm mũ, miệng ngọng nghịu gọi “Sư Phụ, Sư Phụ”. Chả là, chú thấy trời trở gió, nên sợ Thầy chú bị bệnh nên đã vội chạy theo đưa khăn, mũ cho Thầy. Ước gì con như chú Chuột trong sáng đó, con sẽ tự tin khi cất lên hai tiếng gọi thiêng liêng “Sư Phụ” của con./.

Kính dâng Thầy nhân ngày 20/11/2015

Phật tử: Diệu Chân