Cách Kiểm Tra Ống Kính Cũ Trước Khi Mua

Việc mua và sử dụng ống kính cũ dường như đã rất quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là những ai có kinh nghiệm trong việc mua bán. Tuy nhiên, với những người lần đầu tìm cho mình một chiếc lens cũ thì lại không hề dễ. Không chỉ quan tâm về giá, bạn còn phải biết cách kiểm tra ống kính cũ xem có đảm bảo chất lượng không. Vì vậy, để mua được ống kính ưng ý nhất đừng bỏ qua bài viết này nhé!

I. Kiểm tra bên ngoài ống kính

Trước khi kiểm tra đến các thành phần, tính năng bên trong của ống kính, bạn có thể test nhanh bên ngoài ống kính như sau:

Kiểm tra xem vỏ ống kính có bị trầy xước, nứt vỡ hay sứt mẻ gì không. Nếu mức độ xước xát, dập, nứt hay bị bóp méo tương đối thì không nên tiếp tục tìm hiểu ống kính này, vì có thể nó sẽ ảnh hưởng đến thấu kính bên trong, chưa nói đến việc mất tính thẩm mỹ của tổng thể chiếc máy ảnh sau khi gắn lens.

Sau khi nhìn qua một lượt bên ngoài, bạn cần kiểm tra các vòng lấy nét, vòng zoom xem có hoạt động trơn tru không, có bị rít hay mắc gì không. Bởi có những loại lens sử dụng chất liệu cao su để làm vòng zoom, vòng lấy nét, vì vậy sau một thời gian sẽ gây trùng nhão hoặc bị mục dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng.

Kiểm tra ống kính cũ - vòng lấy nét, vòng zoom trên ống kính

Ngoài các vòng lấy nét, vòng zoom thì trên một số loại ống kính còn trang bị thêm vòng chỉnh khẩu. Bạn cũng cần kiểm tra vòng khẩu bằng cách xoay xem có cảm giác nẩy các đoạn khi chỉnh từng bước khẩu hay không. Nếu có tức vòng khẩu vẫn hoạt động ổn định.

Trên một vài ống kính đời trước của Nikon vẫn tích hợp vòng chuyển chế độ AF-MF. Để test vòng chuyển này có hoạt động êm ái không, bạn cần gắn ống kính lên máy ảnh để kiểm tra. Ngoài ra, một số ống kính zoom lấy nét tự động còn có thêm nút chuyển chế độ chống rung, Limit/Full… bạn đều phải kiểm tra tất cả xem độ mượt mà của nó ra sao, có vướng mắc gì không.

Tiếp đến hãy kiểm tra các ốc vít trên lens xem nó có bị rỉ sét hay không? Có dấu hiệu bị tháo ra hay chưa? Nếu là ống kính ngày xưa có mức giá dưới 1, 2 triệu thì việc tháo ra cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên, nếu là ống kính lấy nét tự động thế hệ sau này thì việc tháo và lắp ống kính sai kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng đến tính năng lấy nét của nó. Vì vậy bạn cần lưu ý.

Kiểm tra ống kính cũ - Kiểm tra các ốc vít trên lens

Kiểm tra tới các chân mạch của ống kính xem có bị gẫy, mẻ, rụng thay thiếu chân nào không. Nếu có, ống kính sẽ khó mà gắn chắc chắn được với máy ảnh, gây lỏng lẻo trong quá trình quay chụp.

II. Kiểm tra thấu kính bên trong

Bằng mắt thường bạn có thể quan sát các lỗi trên ống kính như các vết trầy xước. Đối với các lỗi khó hơn bạn cần dùng đến đèn flash, đèn chiếu hoặc ánh sáng mặt trời để quan sát chi tiết. Chú ý phải kiểm tra cả kính trước và kính sau.

Kiểm tra ống kính cũ - kiểm tra thấu kính

Kiểm tra xem bề mặt kính có bị bong tróc lớp tráng phủ hay không. Vì nếu thấu kính bị bong lớp này sẽ ảnh hưởng đến việc chụp ảnh, nhất là khi chụp ngược sáng hoặc trong điều kiện ánh sáng gắt.

Kiểm tra xem thấu kính bên trong có bị đọng hơi nước hay không. Xem trên đó có hiện tượng nấm mốc, rễ tre do ẩm thấp gây ra hay không để xử lý kịp thời. Vì nếu ống kính bạn sắp mua gặp hiện tượng này, khi để chung với các ống kính khác sẽ có thể bị lây lan, lâu ngày tình trạng sẽ nặng hơn và gây hư hỏng thấu kính.

Kiểm tra ống kính cũ - Hiện tượng nấm mốc, rễ tre

Kiểm tra xem bụi bám bên trong thấu kính mức độ ra sao, nếu ít vẫn có thể chấp nhận được vì bụi là vấn đề khó tránh khỏi. Tuy nhiên nếu bụi ở mức độ quá nhiều rất khó vệ sinh, bạn có thể loại bỏ ống kính đó ra khỏi danh sách lens bạn đang cân nhắc mua.

Bên cạnh đó, có một số ống kính có các thấu kính được dán lại với nhau bằng keo sẽ rất dễ bị tách ra ở mép ngoài sau một khoảng thời gian. Nếu bị tách ra quá sâu thì ống kính đó sẽ không còn dùng được nữa.

III. Test khả năng hoạt động của ống kính

Để test khả năng hoạt động của ống kính, bạn cần gắn ống kính lên máy để kiểm tra, xem ống kính và máy ảnh có tương thích với nhau không. Sau đó test các chức năng của ống kính.

Kiểm tra ống kính cũ - Lắp ống kính vào body để kiểm tra

1. Kiểm tra khả năng lấy nét

Đối với ống kính lấy nét tự động AF

Kiểm tra quá trình lấy nét của ống kính xem có mượt mà không? Tốc độ lấy nét có nhanh, vùng lấy nét có chính xác không? Bằng cách mở khẩu lớn nhất và chụp với khoảng cách gần nhất cho đến xa nhất. Nếu trên máy có tính năng liveview thì bật chế độ này lên và theo dõi quá trình lấy nét của ống kính với liveview.

Đối với ống kính lấy nét thủ công MF

Với ống kính này bạn chỉ cần điều chỉnh, xoay vòng lấy nét xem có trơn tru, mượt mà hay không vì những ống kính MF thường để lâu ngày sẽ bị bám bụi, khô dầu dẫn đến khó xoay vòng lấy nét.

Một số vấn đề thường xảy ra với tính năng lấy nét bạn cần lưu ý như: lấy nét sai điểm cần lấy nét, lệch mặt phẳng nét (là hiện tượng chụp mặt phẳng ở phía trên thì nét nhưng dưới không nét hoặc bên phải nét nhưng trái lại không nét). Một lưu ý khác, đối với các ống kính zoom thì sẽ nét ở tiêu cự gần nhất nhưng mờ ở tiêu cự xa nhất.

Tóm lại khi test lấy nét, bạn cần chụp đối tượng từ khoảng cách gần nhất đến xa nhất, lấy nét ở vị trí trung tâm, rồi chuyển dần sang phía rìa bên trái, bên dưới, bên phải, bên trên xem độ nét trong từng khung hình có đồng nhất với nhau hay không. Test lần lượt với khẩu lớn nhất đến các khẩu nhỏ hơn.

2. Kiểm tra khả năng chống rung

Đối với những ống kính có tích hợp chống rung trên thân, người mua có thể kiểm tra chức năng chống rung bằng cách chụp ảnh với tốc độ chậm ở cả hai chế độ bật chống rung và tắt chống rung để so sánh độ nét của hai bức hình. Nếu bức hình bị mờ nhòe, rung máy chứng tỏ tính năng chống rung trên ống kính không còn hoạt động tốt.

Kiểm tra ống kính cũ - Test khả năng chống rung

3. Test khả năng đóng mở khẩu

Đối với ống kính lấy nét tự động: cài đặt chụp ở chế độ ưu tiên khẩu độ Av, test và chụp thử ở các độ khẩu khác nhau xem có bị mắc ở khẩu nào không.

Đối với ống kính lấy nét thủ công: một số ống kính có tích hợp lẫy để giữ khẩu luôn mở khi bạn gắn lens vào body máy ảnh. Khi đó, bạn cần kiểm tra chiếc lens đó có khả năng đóng khẩu thủ công được hay không.

Sau khi test từ ngoại hình bên ngoài đến các chức năng bên trong của ống kính, nếu không có vấn đề gì bạn có thể đưa ngay “em ấy” về “dinh” và thỏa sức sáng tạo với chiếc ống kính mà mình lựa chọn.