[STEM 9] Điện thoại ống bơ – Sự truyền âm thanh thú vị – Cảm ơn đã ghé thăm!

Mình đại diện cho team Thần Nông phiên bản hợp thể – đem tới cho mọi người chủ đề tiếp theo mà CLB STEM tìm hiểu là “Điện thoại tự chế”, hay còn được biết tới với cái tên dân gian: Điện thoại ống bơ! Đây là một món đồ rất quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người, vật liệu cần có để tạo ra một chiếc điện thoại ống bơ rất dễ kiếm: 2 ống hình trụ rỗng bịt 1 đầu (lon nước, lon sữa ông thọ, ống tre, nứa, ly nhựa, giấy…), 1 đoạn dây từ 5-20m hoặc dài hơn (chỉ, len, dây dù, dây cước,…), 2 que tăm, cùng một số vật liệu đục lỗ cho ống nghe.

Cùng với những vật liệu trên, chỉ cần dành ra 15-20′ là có thể làm ra một món đồ chơi thú vị. Vậy món đồ đơn giản này hoạt động dựa trên nguyên lí nào? Điện thoại ống bơ hoạt động dựa trên nguyên lí truyền âm thanh trong chất rắn: Âm phát ra từ miệng người nói dội vào thành ống bơ thứ nhất đi đến que tăm ở ống bơ thứ nhất (chất rắn) sau đó truyền đến sợi dây ni lông cũng là chất rắn và truyền đến que tăm ở ống bơ thứ 2 để đến tai người nghe. Bình thường khi chúng ta nói chuyện, tiếng nói được truyền trong không khí. Nhưng, âm thanh còn có thể truyền trong chất rắn và chất lỏng. Vậy tốc độ âm thanh truyền trong môi trường nào sẽ nhanh hơn? Qua các thí nghiệm tính toán, đo đạc, ta có thể thấy rằng ở điều kiện tiêu chuẩn thì tốc độ truyền của âm thanh trong không khí là 332m/giây, tốc độ truyền trong nước là 1.450m/giây, trong thép là 5.050m/giây.

Như vậy, tốc độ âm thanh truyền trong chất rắn là nhanh nhất, trong không khí là chậm nhất. Nguyên nhân ở đây là do mật độ môi trường đối với chất rắn thì mật độ các phân tử rất dày đặc nên âm truyền nhanh nhất, còn trong chất lỏng mật độ các phận tử cũng dày đặc nhưng không bằng chất rắn. còn chất khí thì mật độ rất loãng nên âm truyền chậm nhất.

Đối với các vật liệu chuẩn bị để tạo thành điện thoại ống bơ cần lưu ý: Ống để nghe-nói có độ dày đủ để âm thanh có thể dội vào thành ống mà không lọt ra ngoài. Dây truyền có độ đàn hồi tốt. Nhóm Thần Nông chúng mình thử nghiệm với 3 loại ống nghe khác nhau: Lon bia, lon sữa đặc và ly nhựa, cùng 3 loại dây: dây dù, dây cước và chỉ. Nhóm mình nhận thấy: Ly nhựa là loại vật liệu dễ chế tác nhất (dễ đục lỗ hơn và không cần khoét một đầu), dễ tìm, vừa tay và dễ dàng thay thế nhất mà vẫn đảm bảo sự truyền âm. Cả 3 loại dây đều mang đến hiệu quả tương tự nhau, dây chỉ là vật liệu quen thuộc, dễ tìm nhất nhưng nhóm mình ưu tiên dùng dây cước vì đây là loại dây rất bền, tránh bị đứt dây khi vô tình chạm vào vật cản và có độ đàn hồi khá tốt.

Khi sử dụng điện thoại ống bơ cần chú ý độ căng của dây, không để dây bị thắt nút hay có vật cản chạm vào dây thì ân thanh sẽ không truyền đi được. Vì âm thanh truyền qua dây đến được ống bơ của người nghe nhờ sự rung động của sóng âm, nếu đường truyền đi của sóng âm (dây cước) bị chặn lại âm thanh từ miệng người nói bị ngắt đoạn, không truyền đến được tới tai người nghe.