Tín chấp và cầm giữ tài sản theo quy định pháp luật –

Tín chấp và cầm giữ tài sản là các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ cho hợp đồng được quy định trong bộ luật dân sự 2015. Tín chấp và cầm giữ tài sản là các vấn đề pháp lý cần được tìm hiểu để phân biệt với các hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng dân sự khác.

Căn cứ pháp lý của tín chấp và cầm giữa tài sản

– Tín chấp được quy định tại Điều 344 đến 345 BLDS 2015.

– Cầm giữ tài sản được quy định tại Điều 346 đến 350 BLDS 2015.

Tín chấp là gì?

Tín chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, là việc bảo lãnh bằng uy tín của tổ chức chính trị – xã hội cho cá nhân hoặc hộ gia đình nghèo không có tài sản để thế chấp được vay một số tiền nhỏ tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc làm dịch vụ. Nói cách khác, tín chấp là một trường hợp đặc biệt của bảo lãnh với chủ thể bên thứ ba là các tổ chức chính trị – xã hội và chủ thể có nghĩa vụ là các nhân, hộ gia đình nghèo trong trường hợp họ không có tài sản để thế chấp.

Đặc điểm pháp lý của tín chấp

Về chủ thể: Các chủ thể tham gia quan hệ tín chấp bao gồm chủ thể được tín chấp (bên được bảo đảm), tổ chức chính trị – xã hội tín chấp (bên bảo đảm) và tổ chức tín dụng nhận tín chấp. Chủ thể được tín chấp là cá nhân và hộ gia đình nghèo không có tài sản thế chấp. Bên bảo đảm là các tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở. Các tổ chức này khi tín chấp cho cá nhân và hộ gia đình nghèo phải xác nhận điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn tại tổ chức tín dụng.

– Đối tượng: Đối tượng của quan hệ bảo đảm này là uy tín của tổ chức chính trị – xã hội tín chấp. Bên cạnh đó, tín chấp phải đi kèm với hợp đồng chính có đối tượng là tiền với số lượng nhỏ.

– Mục đích của chủ thể được tín chấp phải nhằm sản xuất, kinh doanh hoặc làm dịch vụ.

– Hình thức: Tín chấp phải lập bằng văn bản và ghi rõ số tiền, thời hạn, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay và tổ chức cho vay.

Cầm giữ tài sản là gì?

Cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, là việc bên có quyền (bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ (bên bị cầm giữ) không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Đặc điểm pháp lý của cầm giữ tài sản

– Cầm giữ tài sản bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ. Hợp đồng song vụ được quy định là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.

– Đối tượng của cầm giữ tài sản phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên có nghĩa vụ và được chiếm giữ hợp pháp và liên tục của bên có quyền.

– Cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ còn rất mới trong BLDS 2015.

Như vậy, tín chấp là một trường hợp bảo lãnh đặc biệt được pháp luật quy định như một trường hợp ưu đãi đối với người nghèo để họ có thể có vốn làm kinh tế. Cầm giữ tài sản là một biện pháp còn mới trong BLDS 2015 với bản chất là việc chiếm giữ hợp pháp của bên có quyền trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng.