Có nên học Cao đẳng Cộng đồng tại Mỹ?

1. Giới thiệu về hệ thống Cao đẳng cộng đồng/Community College (CC)

Ở Mỹ, Cao đẳng cộng đồng (CC) là các cơ sở giáo dục sau trung học hệ hai năm. Hệ thống CC cung cấp các chương trình học thuật khác nhau, mà chủ yếu khi kết thúc học sinh sẽ được cấp các chứng chỉ (certificates) hoặc bằng cao đẳng (associate degrees). Kết thúc khóa học tại cao đẳng cộng đồng, học sinh sẽ được chuẩn bị những kiến thức và kĩ năng cho một số ngành nghề nhất định (ví dụ như cứu hỏa hay kĩ sư công nghệ), hoặc chuyển tiếp và hoàn thành 2 năm cuối cùng tại một đại học 4 năm để có bằng cử nhân.

Cao đẳng cộng đồng là hệ thống giáo dục 2 năm sau trung học phổ biến nhất ở Mỹ. Hiện nay, hơn 40% học sinh sau trung học theo học Cao đẳng cộng đồng, trong đó độ tuổi phổ biến nhất là 18-23 tuổi. Ngoài ra, những nhân viên đang đi làm hay người đã nghỉ hưu có nhu cầu học tập đều có thể theo học tại các trường Cao đăng cộng đồng.

2. Các trường Đại học và Cao đẳng Cộng đồng khác nhau như thế nào?

– Trình độ không đồng đều: Có một sự thật rằng có rất nhiều sinh viên giỏi, nhưng vì không đủ điều kiện tài chính nên chọn học tại Cao đẳng cộng đồng. Ngược lại, có nhiều sinh viên vì học lực trung bình, không có khả năng vào học tại các trường Đại học nên đành phải chọn học tại Cao đẳng cộng đồng. Có người thì đã có bằng Đại học, nhưng lại theo học tại cao đẳng cộng đồng để học một ngành khác. Ví dụ như với các ngành liên quan đến y tế tại Mỹ, sinh viên muốn theo học ngành này, khi đã có bằng đại học rồi, bắt buộc phải hoàn tất các chương trình về y tế mà chỉ có Cao đẳng cộng đồng mới có, để rồi lấy điểm đó lại nộp đơn vào đại học các trường Medical School, Dental School, hoặc Pharmacy School. Vì vậy, mà tại CĐCĐ có rất nhiều thành phần sinh viên.

– Các trường CĐCĐ thường nằm giữa các trung tâm thành phố, vì vậy mà không có khu kí túc xá của trường, học sinh phải thuê nhà bên ngoài hoặc ở home stay; vì lí do này nên các hoạt động ngoại khóa tại các trường CĐCĐ không được sôi động như các trường ĐH.

– Học CĐCĐ bạn được quyền đăng kí học cũng như bỏ học khá thoải mái. CĐCĐ không có những quy định chặt chẽ về đăng ký/bỏ lớp, nên mọi người đăng ký và bỏ lớp tự do. Một cảnh tượng dễ thấy nhất ở CĐCĐ là đầu học kỳ lớp đông nghẹt, nhiều khi không có chỗ. Sau midterm lớp drop xuống còn phân nữa, rồi tới gần final thì còn chừng 1/3, trong khi đó điều này hiếm khi xảy ra ở các trường ĐH, vì luật lệ add/drop chặt chẽ hơn. Điểm này là điểm lợi, nhưng cũng là điểm bất lợi của CĐCĐ. Lợi ở chỗ nếu lớp quá khó, có thể drop out mà không bị ảnh hưởng điểm số (GPA) hoặc chỉ bị W trong transcript. Điểm bất lợi là nhiều khi mình cần lớp đó, mà mình lại đăng ký không kịp, trong khi chắc chắn rằng tới giữa học kỳ sẽ có 1 số drop out.

3. Các trường Đại học và Cao đẳng Cộng đồng giống nhau như thế nào?

– Chương trình đại cương (GE) ở CĐCĐ cũng tương tự như ở ĐH. Đôi khi trong cùng 1 tiểu bang, thì sách dành cho ĐH và CĐCĐ cũng có thể giống nhau.

– Giáo sư giảng dạy ở CĐCĐ cũng đều là có khả năng và trình độ tương tự như ở Đạ học. Bạn có thể yên tâm về chất lượng của người dạy mình, vì để được đứng dạy ở CĐCĐ, giáo sư cũng phải có ít nhất là học vị Cao học; một số giáo sư có PhD degree, nhưng họ không muốn đi dạy ở ĐH mà lại dạy ở CĐCĐ, vì họ muốn tập trung vào việc giảng dạy nhiều hơn là làm nghiên cứu. Một số giáo sư vừa dạy ở ĐH, vừa dạy ở CĐCĐ.

– Độ khó của lớp có thể tương đương như học tại ĐH. Điểm này thì tuỳ trường, nhưng mà những trường CĐCĐ giỏi, độ khó của lớp có thể ngang ngửa như học ở Đại học. – Cao đẳng Cộng đồng tập trung cho hoạt động dạy và học, trong khi các trường Đại học vừa có hoạt động giảng dạy vừa có hoạt động nghiên cứu. Do đó giảng viên ở trường Cao đẳng Cộng đồng có điều kiện chuyên tâm vào việc dạy học nhiều hơn, họ có thể dành nhiều thời giờ để giảng cho học sinh thật hiểu bài. Trong khi đó, giảng viên Đại học thường phải chia thời gian giữa giảng dạy và nghiên cứu. Họ có ít thời gian với sinh viên hơn. Nhiều lớp Đại học, thường sử dụng các trợ giảng cho nhiều giờ giảng dạy thay cho giảng viên chính.

– Sĩ số lớp học tại các trường Cao đẳng Cộng đồng thường thấp nên sự tương tác, giao tiếp giữa thầy và trò được tăng cường hơn nhiều so với một giảng đường với hàng trăm sinh viên tại Đại học và luôn có tình trạng cạnh tranh để giành được tiếp xúc với giảng viên bên ngoài giờ học. Hoàn toàn không có sự phân biệt về bằng cử nhân giữa một sinh viên học Cao đẳng Cộng đồng 2 năm, chuyển tiếp 2 năm cuối vào một Đại học với một sinh viên học 4 năm tại trường Đại học đó. Trong khi đó chi phí tiền học tại Đại học dù là công lập hay tư thục đều đắt đỏ hơn rất nhiều so với chi phí cho sinh viên theo học tại một trường Cao đẳng Cộng đồng. Và có lẽ điều khác biệt đáng kể nhất so với Cao đẳng Cộng đồng là đầu vào xét tuyển của các Đại học có mức độ cạnh tranh khá cao. Nếu bạn là một học sinh với học lực khá giỏi, tự tin về trình độ tiếng Anh, và khả năng thích nghi với cuộc sống Đại học của mình và muốn vào một trường Đại học danh giá ngay sau khi tốt nghiệp trung học và nhất là dư dả về tài chính, thì bạn có thể đăng ký ngay vào một Đại học 4 năm. Trong khi các sinh viên khác sau khi kết thúc 2 năm Đại học đại cương tại Cao đẳng Cộng đồng sẽ phải chen nhau vào cánh cửa hẹp của một Đại học có tiếng tăm với các chỉ tiêu xét tuyển đầu vào rất cạnh tranh. Và chỉ có một tỉ lệ nhất định sinh viên chuyển tiếp được chấp nhận học.

4. Tại sao học ở CĐCĐ lại rẻ và dễ vào hơn so với Đại học?

Cao đẳng Cộng đồng là một trong những phương án an toàn cho các gia đình muốn cho con em mình được đi du học tại Mỹ. Lợi thế của Cao đẳng Cộng đồng là đầu vào phù hợp với năng lực của phần đông học sinh cấp 3 Việt Nam, không yêu cầu SAT và TOEFL/ IETLS vừa phải. Nếu theo học từ năm lớp 11, sinh viên có thể rút ngắn thời gian học khi sang Mỹ. Hơn nữa, có một thực tế cũng được chị Hồng Nhung nêu ra đó là quá trình đăng ký lấy thư mời I-20 cho bậc Cao đẳng Cộng đồng cũng nhanh chóng hơn phần đông các trường ĐH 4 năm khác.

Phương án chọn Cao đẳng Cộng đồng là một con đường an toàn dành cho các sinh viên muốn được học tập tại môi trường tiên tiến bậc nhất nước mà chỉ phải trả một khoản tiền chấp nhận được. Với những học sinh có nguyện vọng du học Mỹ nhưng gia đình không có đủ tài chính vững mạnh thì Cao đẳng Cộng đồng là lựa chọn khá thích hợp. Môi trường Cao đẳng Cộng đồng rất đa dạng do có nhiều người từ nhiều lứa tuổi nghề nghiệp khác nhau chọn học ở đây.

Tuy nhiên, du học không chỉ bao gồm vấn đề học phí mà vẫn còn rất nhiều chi phí mà các nhà tuyển sinh không nói đến như hoạt động trong trường, sách vở, các phụ phí…. Vậy nên những sinh viên có nguyện vọng du học nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

5. Cơ hội chuyển tiếp từ CĐCĐ lên Đại học như thế nào?

Về lý thuyết, sau khi hoàn thành các môn học tại Cao đẳng Cộng đồng, sinh viên có thể đăng ký chuyển tiếp lên bất kỳ trường đại học 4 năm nào tại Mỹ để hoàn thành nốt các năm còn lại, lấy bằng Cử nhân của ĐH đó. Kết quả sẽ phụ thuộc vào thành tích học tập tại trường Cao đẳng Cộng đồng và tiếng Anh của bạn.

Bạn Minh Nguyễn bổ sung thêm rằng nhiều người thường lo sợ về chất lượng dạy học ở các trường cao đẳng cộng đồng, nhưng thực sự khi hoàn thành 4 năm đại học thì các du học sinh vẫn hoàn toàn có được tấm bằng có giá trị ngang với những sinh viên theo học chương trình 4 năm ở Đại học. Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Lộc lại cho một ý kiến khác hơn. Theo anh Lộc, sinh viên ở các trường Cao đẳng Cộng đồng, có thể chuyển tiếp 2+2 khá thuận tiện vào các trường Đại học nằm cùng bang, tuy nhiên nhưng nếu muốn đăng ký một trường đại học tốt hơn ở bang khác thì lại không dễ trong việc chuyển đổi tín chỉ, việc này có thể gây ra chậm trễ và không đạt được kế hoạch ban đầu đặt ra.

Trong mọi trường hợp, bạn nên tìm đến phòng Tư vấn sinh viên để nhờ các tư vấn viên lên kế hoạch cho việc chuyển tiếp sau này. Họ sẽ giúp bạn phân tích xem trường nào phù hợp, năm nào sẽ thích hợp, nên đăng ký học những môn nào, nên có trình độ tiếng Anh bao nhiêu…

Tại một số trường Cao đẳng Cộng đồng, sinh viên có thể chắc chắn chuyển tiếp lên các trường đại học có liên kết với nhà trường nếu như sinh viên hoàn thành khoá học tại Cao đẳng Cộng đồng với kết quả không quá thấp. Trong danh sách này có rất nhiều trường đại học nổi tiếng và chất lượng cao. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý lựa chọn chuyển tiếp từ Cao đẳng Cộng đồng lên Đại học chỉ đúng cho sinh viên đã tìm hiểu trường ĐH đó và yêu thích trường ĐH này từ trước. Nếu chưa tìm hiểu trước thì sinh viên cần đề phòng những bẫy quảng cáo chắc chắn có 2+2 vì nó rất khó xảy ra.

6. Vậy có nên lựa chọn Cao đẳng Cộng đồng?

Trước khi nộp đơn vào các trường Cao đẳng Cộng đồng, bạn cần cân nhắc xem hệ thống giáo dục này để xem có phù hợp với hoàn cảnh với bản thân không. Bài viết sử dụng cụm từ “CC” để nói đến các trường Cao đẳng Cộng đồng và “đại học” để nói đến các trường thuộc hệ thống đại học 4 năm của Mỹ. Bài viết sẽ trình bày các ưu điểm và nhược điểm của việc học ở các CC so với việc học ở các đại học.

a. Ưu điểm

  • Tổng chi phí một năm ở CC thấp hơn ở các đại học trong khi chương trình học ở CC tương đương với chương trình học 2 năm đầu ở các đại học và chất lượng giáo viên ở CC. Các giáo viên ở CC đều có bằng Thạc sỹ hoặc bằng Tiến sỹ. Điều này cho phép bạn học chương trình 2 năm đầu của các đại học với chất lượng tương đương và chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng xin hỗ trợ tài chính từ các trường đại học, việc học ở CC không thực sự có lợi thế về chi phí hơn việc học ở các đại học. Ví dụ, nếu khả năng đóng góp của gia đình bạn vào khoảng 20,000$/năm, và hồ sơ của bạn đủ mạnh, bạn có thể nộp đơn vào một trường đại học có tổng chi phí 60,000$/năm với hỗ trợ tài chính 40,000$/năm. Tổng chi phí trung bình cho một năm học ở CC cũng vào khoảng 20,000$/năm. Trong trường hợp này việc học ở CC không đem lại lợi thế về chi phí nữa.
  • Nếu bạn có khả năng tiếng Anh hoặc học lực yếu, hoặc nếu bạn không gặp may mắn trong việc nộp đơn vào các đại học, bạn có cơ hội học ở các đại học bằng cách học ở CC vì:
  • Các trường CC sử dụng chính sách tuyển sinh mở.
  • Sau khi hoàn thành chương trình học ở CC, bạn có thể chuyển tiếp lên các trường đại học. Khi bạn chuyển tiếp lên các trường đại học. kết quả học tập ở CC của bạn được chấp nhận ở nhiều trường đại học, trong đó có các trường đại học hàng đầu như UC Berkeley, vì vậy bạn không phải học lại chương trình 2 năm đầu ở đại học nữa mà có thể học tiếp 2 năm cuối và nhận bằng cử nhân.
  • Nếu khả năng tiếng Anh của bạn không tốt, các lớp ESL và chương trình học tiếng Anh ở CC sẽ giúp bạn chuẩn bị vốn tiếng Anh để học tập ở CC và đại học.
  • Nếu bạn là người thích nghi chậm, việc học ở CC có thể giúp bạn làm quen dần với cuộc sống ở đại học. Các lớp học ở CC thường dễ hơn các lớp ở đại học, và môi trường học ở CC thường ít cạnh tranh hơn. Bạn cũng có thể dễ nhận được sự giúp đỡ của giáo viên hơn, vì các lớp học ở CC nhìn chung có quy mô nhỏ hơn ở các đại học, Bạn cũng có thể ở với gia đình người thân trong khi học CC để làm quen dần với cuộc sống Mỹ, vì các trường CC không có kí túc xá hoặc nhà ở trong trường.
  • Các lớp học ở CC nhìn chung có quy mô nhỏ hơn các lớp học ở các đại học. Các lớp học ở CC nhìn chung có khoảng 20-30 học sinh, trong khi các lớp học ở các National University có thể lên đến 500 học sinh, còn các lớp học ở các Liberal Arts College nhìn chung cũng có 20-30 học sinh. Lớp học sỉ số nhỏ giúp bạn dễ tương tác với giáo viên hơn và dễ nhận được sự giúp đỡ của giáo viên hơn. Giáo viên biết bạn rõ hơn, và điều này giúp việc xin thư giới thiệu từ giáo viên dễ dàng hơn khi chuẩn bị hồ sơ chuyển tiếp. Bạn cũng dễ trở nên nổi bật và tạo ấn tượng tốt với giáo viên hơn.
  • Giáo viên ở các CC nhìn chung tập trung vào việc giảng dạy hơn vào việc nghiên cứu. Điều này giúp cho bạn tiếp cận với giáo viên nhiều hơn, dễ nhận được sự giúp đỡ từ giáo viên hơn và dễ gây ấn tượng hơn. Trong khi đó, ở các National University, các giáo viên thường tập trung nhiều vào nghiên cứu và giảng dạy bậc cao học hơn giảng dạy bậc đại học. Tuy nhiên, ở các Liberal Art College, giáo viên cũng tập trung vào giảng dạy nhiều hơn vào nghiên cứu.
  • Nhiều ngành nghề ở Mỹ chỉ yêu cầu người xin việc có bằng Associate’s chứ không yêu cần bằng Bachelor’s, ví dụ như Radiologic Technology hoặc Food Service, và nhiều CC phát triển những ngành học nhằm đào tạo kiến thức và kĩ năng dành cho các nghề này, trong khi các trường đại học nhìn chung không có các ngành học như vậy. Vì vậy, học sinh học các ngành này có thể hành nghề ngay sau khi hoàn thành chương trình học ở CC.
  • Các CC có nhiều lớp học ban đêm hơn và các lớp học vào cuối tuần các trường đại học, vì vậy CC sẽ phù hợp với bạn nếu bạn cần một lịch học linh động.
  • Các CC không có quy định chặt chẽ về việc đăng kí môn học và bỏ môn học, vì vậy nếu bạn học phải môn học mà bạn không theo kịp, bạn có thể bỏ mà không bị ảnh hưởng nhiều đến điểm số. Một hiện tượng thường gặp ở các CC là các môn học có số lượng học sinh rất đông vào đầu học kì, nhưng giảm dần theo thời gian và đến cuối học kì thì chỉ còn khoảng 1/3 số lượng học sinh ban đầu. Hiện tượng này ít xảy ra ở các trường đại học vì các trường đại học có quy định và hình phạt chặt chẽ hơn đối với việc bỏ môn.

b. Nhược điểm

  • Các CC gần như không có hỗ trợ tài chính cho học sinh quốc tế, nên nếu khả năng đóng góp một năm của gia đình bạn không đủ để chi trả tổng chi phí một năm của CC, bạn phải nỗ lực để được nhận vào các trường đại học và được cung cấp hỗ trợ tài chính nếu bạn muốn đi du học Mỹ bậc đại học, hoặc hoàn thành bậc đại học ở Việt Nam và nộp đơn cho du học Mỹ bậc sau đại học.
  • Nhiều phụ huynh ở Việt Nam vẫn có các quan niệm không đúng về CC, vì vậy bạn phải dành thời gian giải thích các đặc điểm của CC và thay đổi quan niệm của phụ huynh về CC nếu bạn muốn học ở CC.
  • Các lớp học nhỏ ở CC khiến bạn khó trốn tiết hơn vì giáo viên sẽ nhớ mặt học sinh trong lớp. Bạn có thể sẽ gặp khó khăn nếu bạn muốn một sự tự do và tự chủ nhất định trong việc học.
  • Vì các CC không có kí túc xá và nhà ở trong trường nên học sinh gần như chỉ có mặt ở trường vào giờ học. Điều này đem đến các đặc điểm sau:
  • Bạn dễ gặp khó khăn trong việc học nhóm và làm bài tập.
  • Các CC không có nhiều hoạt động truyền thống.
  • Học sinh ở CC không có nhiều ý thức cộng đồng và tinh thần gắn bó với trường.
  • Học sinh ở CC không hào hứng trong việc tham gia các hoạt động tập thể.
  • Việc làm quen và mở rộng mạng lưới các mối quan hệ trở nên bất tiện.
  • Bạn không có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người thuộc những nền văn hóa khác và tăng cường khả năng hòa nhập của bản thân.
  • Vì các CC không có kí túc xá và nhà ở trong trường nên bạn phải sống với người thân hoặc với gia đình bản xứ. Nếu bạn không có người thân và khả năng tiếng Anh của bạn không tốt hoặc khả năng thích nghi thấp, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt với người bản xứ.
  • Số lượng các môn học ở các CC ít hơn ở các đại học, vì vậy nếu bạn không tìm hiểu kĩ trước khi nhập học bạn có thể không được học mà bạn muốn.
  • Không phải kết quả của tất cả các môn học ở CC được chấp nhận khi chuyển tiếp lên đại học. Vì vậy, nếu bạn không tìm hiểu kĩ về các CC và lên kế hoạch chuyển tiếp trước khi nhập học, khi chuyển tiếp lên đại học bạn có thể phải học lại những môn bạn đã học ở CC.
  • Nếu bạn dự định chuyển tiếp lên đại học sau khi học xong ở CC, bạn phải chuẩn bị hồ sơ chuyển tiếp. Quá trình chuẩn bị này cũng gần giống như quá trình nộp đơn nhập học dưới dạng học sinh năm nhất (freshman) vào các đại học, vì vậy bạn sẽ phải dành nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị. Bạn cũng cần phải dành nhiều thời gian để tìm những trường chấp nhận kết quả học tập ở CC của bạn và có cung cấp hỗ trợ tài chính cho học sinh chuyển tiếp.

Thông tin du học Mỹ

Kinh nghiệm du học Mỹ

Các trường Đại học, Cao đẳng tại Mỹ

Hãy LIÊN HỆ MEGASTUDY và nhanh tay đăng ký để được tư vấn chi tiết và nhận nhiều ưu đãi.

Xem thêm thông tin Du học Mỹ TẠI ĐÂY

CÔNG TY CỔ PHẦN DU HỌC VÀ ĐÀO TẠO QUỐC TẾ MEGASTUDY

Hotline: 0904 683 036