CHIM QUẠ – Dogily Petshop – Mua Bán Chó Mèo Cảnh Tphcm, Hà Nội & Đà Lạt

Người xưa không mấy ai có cảm tình với con Quạ, không phải do nó có bộ lông đen xấu xí, mà do dị đoan tin nó có… liên hệ với ma quỷ, nên ghét Quạ như ghét loài Cú vậy. Quạ lại thích làm tổ trên cây đa, cây đề nên người ta lại càng tin chúng là loài chim ác. Tục ngữ vốn có câu: “Ma cây gạo, cú cáo cây đề”, nghĩa đen có ý nói cây gạo, cây đa, cây bồ đề là những cây cổ thụ có ma quỉ ở, và nghĩa bóng nói đến sào huyệt của những bọn trộm cướp.

Do đó, hễ nơi đâu mà có tiếng quạ kêu, là người ta thường lấy đất đá quăng lên xua đuổi.

Thực ra, chim Quạ cũng như các loài chim khác, ngay chim Cú (Strigiformes) cũng vậy, chúng không có ác ý gì với người. Chim Cú thì có ích vì săn chuột bọ phá hại thực phẩm của người, còn Quạ nếu có tội thì thỉnh thoảng túng đói quá mới bắt chước loài diều xớt vài con gà con.

Quạ là giống chim ăn thịt như Diều hâu, chủ yếu là ăn côn trùng, cóc nhái, khi đói quá cũng vào chuồng heo ăn cướp cám heo. Thế nhưng giống Quạ là chim biết bắt chước nói được tiếng người, có điều là giọng của nó ồm ồm như giọng ông già, chứ không thanh tao như giọng người trẻ.

Muốn nuôi Quạ nói tiếng người thì nên nuôi Quạ con. Mà chắc quí vị cũng biết, Quạ con rất khó bắt. Quạ thường làm tổ trên các cây cao, như cầy đa chẳng hạn. Tổ của chúng to hơn cái thúng giạ, làm trên các nhánh ngoài xa khó lòng leo lên tới. Hơn nữa, Quạ là giống hung dữ, gặp người dám cả gan lên phá tổ thì chúng kéo cả bầy đàn đến xáp vào cắn mổ lên đầu lên mặt. Nhiều người vì chống đỡ không nổi mà té cây chết, ai tụt xuống nhanh hay có bạn bè giúp sức thì mặt mày sưng sỉa, dưỡng bệnh cũng hết mấy tháng trời. Vì vậy, muốn bắt Quạ con phái bắt vào ban đêm, và có nhiều bạn bè giúp sức.

Quạ con bắt về được nuôi vào chỗ thật im vắng có người còn cẩn thận đào một cái lỗ sâu dưới đất chừng bốn tấc khối, bên trên đậy nắp chỉ chừa lỗ cho Quạ thở. Mỗi bữa hé nắp cho Quạ ăn (tập ăn cơm, cá hoặc thịt) rồi tập cho chúng nói những câu mà mình muốn dạy. Nuôi như thế độ một vài năm khi Quạ nói sõi, thì mới bắt lên nuôi vào lồng.

Với Quạ con, ta có thể nuôi thả trong nhà, trong vườn như cách nuôi Sáo, nuôi Cường vậy. Giống chim này rất khôn, chỉ sống quanh quẩn gần nhà chứ không bay đâu xa. Và tuy là chim cảnh có khả năng bắt chước nói được tiếng người, nhưng đên nay vẩn có ít người nuôi chúng. Có lẽ một phần do bộ lông đen đúa xấu xí của chúng chăng?