Lo ăn, mặc cho người Hồi giáo!

Thực phẩm HALAL

Ông Zainal Bin Haji Hamzah, Tổng lãnh sự Malaysia tại TPHCM, cho biết người Hồi giáo khi đến Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn khi tìm nguồn thực phẩm có chứng nhận Halal, và họ phải mua với giá đắt gấp đôi so với thực phẩm thông thường. Theo giáo lý đạo Hồi, mọi thực phẩm đều có thể được chứng nhận Halal trừ thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo; rượu bia và các chất gây say; con vật ăn thịt sống hoặc ăn tạp như chó, mèo, chuột; máu và các sản phẩm từ máu. Họ cũng không ăn thịt con vật được giết mổ không đúng cách, hoặc đã chết trước khi giết mổ. Trước lúc giết mổ, phải cầu nguyện. Dây chuyền sản xuất thịt không được dùng chung với các quy trình khác, để bảo đảm thực phẩm chế biến thuần khiết Halal. Kỳ APEC vừa qua, những đoàn khách Hồi giáo đến Việt Nam đều đòi hỏi khách sạn phải có bộ đồ nấu nướng, ăn uống riêng, đầu bếp cũng phải là người Hồi giáo. Thậm chí, trong khi nấu nướng cho người Hồi giáo, khu bếp không được có người lạ vào. Có vị nguyên thủ quốc gia theo đạo Hồi còn yêu cầu đầu bếp phải chế biến thức ăn ngay trước mặt.

Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TPHCM (BĐD Hồi giáo) cho biết, các doanh nghiệp ở Việt Nam muốn có chứng nhận Halal phải được BĐD Hồi giáo đi khảo sát thực tế tình hình sản xuất, nhằm xác định sản phẩm có đạt tiêu chuẩn Halal không. Nếu đạt yêu cầu, BĐD Hồi giáo sẽ cấp chứng chỉ Halal, có giá trị một năm cho mỗi lần cấp. Thời gian từ khảo sát thực tế đến lúc cấp chứng chỉ này là bảy ngày làm việc. Sau khi cấp và trong thời hạn chứng chỉ còn giá trị, BĐD Hồi giáo sẽ có các cuộc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để xem doanh nghiệp có tuân thủ tiêu chuẩn Halal không. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi chứng chỉ. Khi chứng chỉ sắp hết hạn, doanh nghiệp có thể xin cấp tiếp. Sản phẩm được cấp Halal ở Việt Nam vẫn được lưu thông trên thị trường các nước Hồi giáo.

Theo ông Ng Chee Kong, Tổng thư ký Hiệp hội Hợp tác quốc tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa Malaysia, thực phẩm Halal giờ đây không còn dành riêng cho người Hồi giáo. “Dịch bệnh xảy ra liên tục trên thế giới đã khiến người không theo đạo Hồi bắt đầu nhìn nhận Halal như một thương hiệu thực phẩm an toàn hơn là một thủ tục tôn giáo”, ông nói. Ông Kong cho rằng doanh nghiệp cung cấp thực phẩm Halal sẽ có thị phần ở người không theo đạo Hồi, trong khi đó nếu chỉ sản xuất thực phẩm thông thường sẽ mất thị phần ở người Hồi giáo. Ở Đông Nam Á, Indonesia là nước có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới, trên 200 triệu người. Thị trường Trung Đông có gần 100% người theo đạo Hồi. Dân số ở đây đang phát triển, thu nhập đầu người ngày càng cao. Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất nhập khẩu 90% thực phẩm với thuế nhập khẩu thấp từ 0-4%. Trung Quốc cũng có hơn 20 triệu người Hồi giáo, dùng thực phẩm Halal đông lạnh.

Trang phục người Hồi giáo

Người Hồi giáo mặc cũng… cầu kỳ không kém ăn! Một bộ trang phục Hồi giáo nói chung phải bao gồm áo, quần và khăn choàng. Tuy nhiên, ba món trang phục này lại có những chi tiết, kích cỡ, màu sắc… rất đa dạng, khác biệt giữa các phái Hồi giáo. Chẳng hạn khăn choàng chỉ che tóc và gáy (cho nam), hoặc che cả mặt (đối với nữ); màu khăn của người phái Sunni cũng khác màu khăn của người phái Shiite… Chất liệu vải và kiểu thiết kế trang phục cũng có sự khác biệt rất lớn giữa giới bình dân và người quý tộc, vì thế mà giá có thể dao động từ vài trăm đến vài ngàn USD một bộ. Ông Diệp Thành Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đại Việt – nơi duy nhất ở Việt Nam may trang phục Hồi giáo vùng Trung Đông – cho biết chiếc áo Thoub của đàn ông Hồi giáo Trung Đông dài đến mắt cá chân, nhưng ra khỏi khu vực này có khi lại được “cách tân”, ngắn đến đầu gối. Trước đây, người dân Trung Đông vì ở sa mạc nhiều nên chọn áo màu trắng mặc cho mát, nay khá giả hơn họ chuộng áo màu. Màu áo cũng nói lên đặc điểm thổ nhưỡng, điều kiện sống và làm việc của người mặc. “Người dân thành thị, giới văn phòng thường chọn màu trắng và kem. Người sống ở vùng cao nguyên chọn áo màu”, ông Kiệt nói. Và tất nhiên, chất liệu vải nói lên độ sang, hèn của người mặc.

Công ty Đại Việt xuất áo Thoub chủ yếu sang Ảrập Saudi. Quốc gia 20 triệu dân này có khoảng 10 triệu người thuộc nam giới, 90% dân số theo đạo Hồi, bé trai từ hai tuổi trở lên buộc phải mặc áo Thoub. Thị trường tuy rộng nhưng để đáp ứng được nhu cầu không phải là chuyện đơn giản. Ông Kiệt cho biết áo Thoub phải bảo đảm may thật vừa vặn, không như áo sơ mi nam có thể may rộng hoặc chật hơn kích cỡ đang mặc. Và phức tạp là ở chỗ loại áo này có tới… 150 kích cỡ khác nhau. Bên cạnh đó, việc đóng gói bao bì sản phẩm cũng phải tuân theo những quy định khắt khe, chẳng hạn từng chiếc áo phải được đóng vào hộp da, có khóa cài rất cầu kỳ!

Hiện Đại Việt xuất 1,5 triệu áo/năm, công ty cho biết sang năm có thể xuất đến 2 triệu áo. Áo được xuất theo lố 12 chiếc, giá tiền là 70 USD/lố, tức khoảng 6 USD/chiếc nhưng đến Trung Đông thì giá đã được nâng lên 30-35 USD/chiếc. Nguyên liệu vải vẫn phải nhập vì nguồn trong nước không có. Cứ thử tính một chiếc áo Thoub tốn bình quân 3,5 mét vải, như vậy hàng năm Đại Việt cần tới trên 5 triệu mét vải. Thật tiếc là nhiều doanh nghiệp dệt trong nước không đáp ứng được các yêu cầu về thẩm mỹ, kỹ thuật… theo tiêu chuẩn vải may áo Thoub.