Hội chứng HELLP: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh

Hội chứng HELLP ở phụ nữ mang thai là một biến thể của tiền sản giật, thường xảy ra trong tam cá nguyệt cuối của thai kỳ, hoặc sau khi sinh con.

hoi chung hellp khi mang thai

Hội chứng HELLP là gì?

Hội chứng HELLP là rối loạn liên quan tới tiền sản giật, nếu không chữa trị kịp thời, có thể gây tử vong. HELLP là một dạng nhiễm độc thai nghén thường gặp ở 5 – 8% phụ nữ đang mang thai, phổ biến nhất là sau tuần 20 khi mang bầu. Triệu chứng của HELLP thường khá mơ hồ, rộng và rất khó để nhận biết, chẩn đoán sớm.

Từ lâu, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiền sản giật có thể liên quan đến các triệu chứng tan máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu. Tiến sĩ Louis Weinstein coi các dấu hiệu và triệu chứng cấu thành đó tạo thành một thực thể tách ra từ chứng tiền sản giật nặng. Vào năm 1982 ông đặt tên cho tình trạng này là hội chứng HELLP dựa theo các đặc điểm của nó: (1)

  • H – Hemolysis (tan máu)
  • EL – Elevated liver enzymes (tăng men gan)
  • LP – Low platelets (giảm tiểu cầu)

Hội chứng có thể khó chẩn đoán, đặc biệt khi không có hiện tượng huyết áp cao và protein trong nước tiểu. Các triệu chứng của HELLP đôi khi bị nhầm lẫn với viêm dạ dày, cảm cúm, viêm gan cấp tính, bệnh túi mật hoặc các bệnh lý khác trong giai đoạn tam cá nguyệt.

70% trường hợp sản phụ bị hội chứng HELLP xảy ra trước sinh và 30% xảy ra trong vòng 48 giờ đến 7 ngày sau sinh. 20% phụ nữ mắc hội chứng này sau sinh không hề có biểu hiện của sản giật trước khi sinh. Tỷ lệ tái phát ở những lần mang thai kế tiếp là 3% đối với HELLP, 10-14% đối với IUGR (chậm phát triển trong tử cung) và 18 – 20% đối với tiền sản giật.

Tỷ lệ tử vong do hội chứng này đã được báo cáo lên đến 30%. Đó là lý do tại sao các mẹ bầu cần nhận thức được tình trạng bệnh và các triệu chứng của nó để có thể can thiệp điều trị sớm.

Phân loại

Hội chứng này được phân loại dựa theo mức độ và số lượng tiểu cầu trong máu của mẹ.

  • Phân loại theo mức độ – Theo phân loại của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ năm 2000.
    • Hội chứng HELLP một phần khi có 1 hoặc 2 dấu hiệu bất thường.
    • Hội chứng HELLP toàn phần: có nhiều biến chứng cho mẹ, nên chấm dứt thai kỳ.
  • Dựa theo số lượng tiểu cầu trong máu của mẹ, bệnh được chia thành 3 loại, theo một hệ thống được gọi là “phân loại Mississippi”:
    • Loại I (giảm tiểu cầu nặng): tiểu cầu dưới 50.000/mm3
    • Loại II (giảm tiểu cầu trung bình): tiểu cầu từ 50.000 – 100.000/mm3
    • Loại III (AST> 40 IU/L, giảm tiểu cầu nhẹ): tiểu cầu từ 100.000 – 150.000/mm3

Đối tượng và yếu tố nguy cơ mắc bệnh

Hội chứng HELLP ở sản phụ là một rối loạn hiếm gặp, ảnh hưởng dưới 1% tổng số thai kỳ. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu, có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Hội chứng này thường xuất hiện trong ba tháng cuối của thai kỳ, nhưng có thể xảy ra sớm hơn, hoặc sau khi sinh.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh (2) bao gồm:

  • Phụ nữ trên 35 tuổi;
  • Bị béo phì;
  • Có tiền sử mắc các bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận;
  • Bị huyết áp cao trong thai kỳ;
  • Tiền sử mắc tiền sản giật trước khi sinh.

Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ tái phát các rối loạn tăng huyết áp do thai kỳ bao gồm tiền sản giật và HELLP trong các lần mang thai tiếp theo là khoảng 18% nếu sản phụ có tiền sử mắc bệnh. (3)

Triệu chứng của HELLP

HELLP có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người và dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh cúm, dạ dày, thường gặp như:

  • Mệt, khó chịu trong vài ngày;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Đau nhức cơ vai, cổ, thượng vị hoặc 1 phần tư trên phải vùng bụng;
  • Đau thượng vị hoặc đau ¼ trên phải vùng bụng có thể do tắc nghẽn dòng máu lưu thông ở xoang gan gây ra bởi sự lắng đọng của fibrin nội mạch;
  • Đau đầu và rối loạn thị giác;
  • Tăng cân do phù toàn thân, và protein niệu trên 1+ (trong 90% các trường hợp);
  • Sưng tấy, đặc biệt là ở khu vực tay hoặc mặt;
  • Đau khi hít thở sâu.

Chỉ bác sĩ mới có thể chắc chắn rằng các triệu chứng bạn gặp phải không phải là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu khác thường khi mang thai.

Nguyên nhân gây ra

Hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân của HELLP, tuy nhiên sự xuất hiện của hiện tượng đông máu được xem là yếu tố chủ yếu. Một số chuyên gia cho rằng đây là một dạng tiền sản giật nặng, một tai biến sản khoa do huyết áp cao. Khoảng 10 – 20% phụ nữ gặp tiền sản giật sẽ tiến triển thành hội chứng HELLP trong sản khoa.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh có thể dựa vào 3 đặc điểm chính (4) gồm:

  • Tan máu: xảy ra do sự chuyển vận của các tế bào hồng cầu trong lòng các mao mạch máu bị tổn thương. Các biểu hiện thường gặp là mảnh hồng cầu vỡ, hồng cầu bị biến dạng (schistocytes) trên tiêu bản máu đàn. Haptoglobin, bilirubin, LDH tăng.
  • Tăng men gan: là tình trạng thiếu máu tại gan dẫn đến nhồi máu. Các thương tổn này có các triệu chứng như đau thượng vị, nôn, buồn nôn hoặc đau hạ sườn phải, vàng da, men gan tăng cao. Các biến chứng nặng (1%) có thể gặp là tụ máu dưới bao gan, thậm chí vỡ vào ổ bụng.
  • Giảm tiểu cầu: Do tổn thương vi mạch chủ yếu là tổn thương nội mạch và co thắt mạch, hậu quả của serotonin và thromboxane A2 làm tăng ngưng kết tiểu cầu trong lòng mạch.

HELLP có thể khó khăn trong chẩn đoán lâm sàng vì dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác trong thai kỳ như: gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ, viêm dạ dày ruột, viêm gan, viêm ruột thừa, bệnh lý túi mật, xuất huyết giảm tiểu cầu, bùng phát của bệnh lý lupus, hội chứng kháng phospholipid, hội chứng tán huyết urê huyết, xuất huyết giảm tiểu cầu.

he thong cham soc suc khoe hien dai

Theo một nghiên cứu, trong số 46 phụ nữ có phát triển bệnh lý gan trong thai kỳ phải điều trị, thì 70% trường hợp là gan nhiễm mỡ cấp và 15% mắc hội chứng thai kỳ HELLP. Hội chứng này khó phân biệt với bệnh lý gan nhiễm mỡ cấp nếu chỉ dựa vào những triệu chứng lâm sàng vì cả 2 đều có những triệu chứng lâm sàng khá giống nhau và xuất hiện cùng 1 thời điểm trong thai kỳ. Do dó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số kiểm tra cận lâm sàng để củng cố cơ sở chẩn đoán.

Biến chứng

Bệnh nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • Vỡ gan;
  • Máu tụ dưới bao gan, nứt gan;
  • Suy thận;
  • Suy hô hấp cấp tính;
  • Chảy máu (băng huyết) quá nhiều trong khi sinh;
  • Đột quỵ;
  • Nhau bong non;
  • Phù phổi cấp;
  • Ngạt chu sinh gây tử vong cả mẹ và thai nhi.

Những lý do phổ biến nhất khiến mẹ nguy kịch, thậm chí tử vong là do vỡ gan hoặc đột quỵ (phù não hoặc xuất huyết não). Vì thế, phát hiện và điều trị sớm là chìa khóa để ngăn ngừa những biến chứng này. Tuy nhiên, một số biến chứng có thể xảy ra ngay cả khi điều trị và ảnh hưởng đến mẹ và bé sau khi sinh.

Phương pháp điều trị

Phương pháp can thiệp hội chứng HELLP sau sinh là chấm dứt thai kỳ và nhanh chóng đưa thai nhi ra khỏi tư cung. Xử trí ổn định huyết áp nếu có, và những biểu hiện khác của HELLP như cơn co giật, DIC cũng như theo dõi thai. Phần lớn các trường hợp hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 – 48 giờ hoặc trong vòng 5 ngày sau sinh, tuy nhiên một số trường hợp có thể kéo dài các triệu chứng đến 14 ngày.

Phòng ngừa hội chứng HELLP

Hiện nay chưa có phương pháp phòng ngừa nào giúp phòng ngừa hội chứng này hiệu quả. Sản phụ có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa tình trạng tiểu đường thai kỳ hay huyết áp cao.

Bên cạnh đó, việc khám thai định kỳ giúp bác sĩ phát hiện kịp thời nguy cơ tiền sản giật tiến triển sản giật hoặc HELLP để can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, một số lưu ý có thể giúp mẹ bầu phòng ngừa như:

  • Chuẩn bị sức khỏe và thể chất tốt trước khi mang thai;
  • Đi khám thai định kỳ;
  • Cung cấp cho bác sĩ sản khoa tiền sử mắc HELLP của gia đình, tiền sản giật hoặc các rối loạn tăng huyết áp khác;
  • Nhận ra các dấu hiệu bất thường và đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Cách chăm sóc cho mẹ bầu khi mắc bệnh

Hầu hết phụ nữ mắc HELLP sẽ hồi phục hoàn toàn nếu tình trạng này được điều trị sớm. Các triệu chứng cũng cải thiện đáng kể sau khi sinh em bé và sẽ biến mất trong vài ngày đến vài tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, sản phụ cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ sau sinh để đánh giá bệnh đã được điều trị hoàn toàn.

Đối với thai nhi, HELLP dẫn đến nguy cơ sinh non nên trẻ được sinh ra trước 37 tuần cần theo dõi cẩn thận trong bệnh viện trước khi được về nhà.

Câu hỏi thường gặp

1. Hội chứng HELLP ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh như thế nào?

Một số nghiên cứu cho thấy, những em bé sơ sinh có cân nặng dưới 2000 gram được sinh ra từ mẹ mắc bệnh cần nằm viện lâu hơn và có thể phải chăm sóc bằng máy thở. Ở các nước phát triển, tỷ lệ thai chết lưu (trẻ chết trong tử cung sau 20 tuần) là 51/1.000 ca mang thai. Tỷ lệ này cao hơn cả tiền sản giật nặng và sản giật.

Tử vong chu sinh nói chung (thai chết lưu cộng với tử vong sơ sinh) dao động từ 7,7% – 60%. Hầu hết những ca tử vong này được cho là do nhau bong non (bánh nhau tách sớm khỏi tử cung), nhau bong non do ngạt trong tử cung (thai nhi không nhận đủ oxy) và sinh quá sớm.

2. Nguy cơ mắc phải HELLP khi trong lần mang thai sau?

Nguy cơ tái phát tất cả các dạng tiền sản giật sẽ CAO HƠN đối với các phụ nữ có tiền sử mắc bệnh. Tỷ lệ tiền sản giật trong những lần mang thai tiếp theo dao động từ 16 – 52%, với tỷ lệ cao hơn nếu khởi phát hội chứng HELLP trong tam cá nguyệt thứ hai. Tỷ lệ HELLP tái phát dao động từ 2 – 19% tùy thuộc vào đối tượng bệnh nhân được nghiên cứu.

Đồng hành cùng mẹ từ khi mang thai đến lúc vượt cạn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện như thai sản trọn gói, thai sản theo yêu cầu, chăm sóc trước và sau sinh,… giúp mẹ khỏe mạnh và an tâm đón con chào đời.

Để được tư vấn, giải đáp thắc mắc về thai sản và đặt lịch khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Hà Nội:

108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội

Hotline: 1800 6858

  • TP.HCM:

2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Hotline: 0287 102 6789

  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh

Những thông tin về hội chứng HELLP trong sản khoa trên đây giúp mẹ bầu có thêm kiến thức quý báu để phòng ngừa tai biến sản khoa nguy hiểm. BVĐK Tâm Anh luôn đồng hành chia sẻ và mang đến cho bạn một thai kỳ khỏe mạnh, bình an.