Khủng hoảng hiện sinh: Nỗi hoang mang đáng sợ về ý nghĩa cuộc sống • Hello Bacsi

Đa phần khủng hoảng xuất hiện khi có một yếu tố kích hoạt, chẳng hạn như có mất mát lớn hoặc cảm giác tuyệt vọng. Một số nguyên nhân có thể “châm ngòi” cho khủng hoảng gồm:

  • Người thân yêu qua đời, hoặc chính họ phải đối mặt với bệnh tật và cái chết đang cận kề
  • Các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác
  • Thay đổi lớn hoặc đột ngột trong cuộc sống: Thay đổi công việc, nơi sinh sống, mối quan hệ…
  • Cảm thấy không thỏa mãn về mặt xã hội
  • Cảm giác tội lỗi về điều gì đó
  • Không hài lòng với hướng đi của bản thân
  • Các cảm xúc dồn nén trong quá khứ.

>>> Hãy đọc thêm: 9 cách vượt qua cú sốc tâm lý sau những biến cố

Triệu chứng khủng hoảng hiện sinh

Làm sao biết được bạn đang gặp phải khủng hoảng hiện sinh hay là chỉ những quan ngại nhất thời? Khi rơi vào khủng hoảng hiện sinh, các cảm giác tiêu cực luôn gắn liền với nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

Thường xuyên lo lắng

Cảm giác lo lắng trong khủng hoảng khác với căng thẳng hàng ngày ở chỗ bất cứ điều gì cũng có thể khiến bạn khó chịu và bồn chồn, kể cả sự tồn tại của bạn. Bạn buồn bã hoặc lo ngại về vị trí và kế hoạch của mình trong cuộc sống. Bạn bận tâm đến những vấn đề khó có sự giải đáp, chẳng hạn như điều gì sẽ diễn ra ở “thế giới bên kia”.

Trầm cảm

Bạn có thể bị trầm cảm khi rơi vào khủng hoảng hiện sinh. Các triệu chứng cụ thể bao gồm mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, mệt mỏi, đau đầu, cảm giác vô vọng và buồn dai dẳng. Trong một số trường hợp, trầm cảm khủng hoảng hiện sinh có thể khiến bạn hối hận về những điều trong quá khứ và dẫn đến ý định tự sát.

Cảm giác vô vọng do khủng hoảng gây ra có liên quan sâu sắc đến cảm giác về một cuộc sống vô nghĩa. Bạn có thể đặt câu hỏi về mục đích của tất cả: “Có phải tôi sống chỉ để làm việc, thanh toán các hóa đơn, và cuối cùng là chết?”

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Đôi khi, những lo lắng về ý nghĩa và mục đích cuộc sống có thể đè nặng lên tâm trí bạn, khiến bạn liên tục đặt những câu hỏi lặp đi lặp lại về chúng đến mức không thể kiểm soát. Tình trạng này được gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

7 cách vượt qua khủng hoảng hiện sinh

cách vượt qua khủng hoảng hiện sinh

Sẽ cần thời gian để một người hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện sinh. Một số cách dưới đây sẽ hữu ích cho bạn:

1. Thay đổi quan điểm và tư duy

Khi đối diện với khủng hoảng này, điều quan trọng là bản thân bạn đang nhìn nó dưới góc độ nào. Thay vì coi khủng hoảng hiện sinh là một trải nghiệm tồi tệ, hãy xem đó là cơ hội để thực hiện những thay đổi giúp bạn hạnh phúc hơn.

2. Viết nhật ký về lòng biết ơn

Lưu giữ lại những điều chúng ta biết ơn sẽ góp phần củng cố niềm tin và ý nghĩa cuộc sống. Bằng cách viết ra những điều bạn thích và thấy có ý nghĩa, bạn có thể tìm ra những gì bạn muốn thay đổi để sống trọn vẹn hơn.

>>> Hãy đọc thêm: Muốn hạnh phúc: Hãy tập thói quen biết ơn

3. Kết nối với mọi người

Khủng hoảng hiện sinh có thể xảy ra khi bạn cảm thấy bị mất kết nối với người khác. Việc thiết lập lại các mối quan hệ có thể khiến bạn ổn định hơn. Hãy liên hệ với bạn bè và gia đình, tìm kiếm những cộng đồng và trò chuyện với những người từng có trải nghiệm tương tự.

cách vượt qua khủng hoảng hiện sinh

Nếu những cảm xúc tiêu cực của bạn kéo dài một vài tháng hoặc chúng dẫn đến trầm cảm và ý định tự tử, hãy liên hệ ngay với một nhà trị liệu tâm lý. Bạn cần một ai đó đủ kiến thức để giúp bạn điều hướng những cảm xúc này một cách phù hợp.

4. Thực hành chánh niệm

Dành nhiều thời gian hơn cho những việc khiến bạn cảm thấy thoải mái. Tập trung và tận hưởng giây phút hiện tại bằng tất cả các giác quan của bạn.

>>> Hãy đọc thêm: Thiền Vipassana – Nghệ thuật sống: 10 lợi ích khi thực hành

5. Chuyển hướng năng lượng của bạn

Thay vì tập trung toàn bộ tâm sức, trí lực của bạn vào một khía cạnh nào đó trong cuộc sống, như công việc hoặc tình cảm, hãy học cách chuyển hướng năng lượng và cân bằng chúng. Sự cân bằng này giúp chúng ta khó bị suy sụp khi có một phần nào đó gặp khó khăn.

6. Đừng tập trung vào quá khứ

Một số người có thể cảm thấy chán nản khi nhìn về quá khứ. Vấn đề là chúng ta không sở hữu “cỗ máy thời gian” để thay đổi được chúng. Vì vậy, đừng hối tiếc về những gì đã xảy ra. Chúng ta chỉ học hỏi từ chúng và hãy luôn nhìn về tương lai rộng mở phía trước.

7. Tìm đáp án cho những câu hỏi nhỏ hơn

Một phần sức nặng của khủng hoảng hiện sinh là cố gắng tìm kiếm một câu trả lời duy nhất cho một câu hỏi quá khó hoặc quá phức tạp. Điều này chỉ khiến bạn trở nên lo lắng và tuyệt vọng hơn.

Thay vì như vậy, hãy chia câu hỏi lớn này thành các câu hỏi nhỏ hơn và tìm câu trả lời cho chúng. Chẳng hạn, thay vì muốn biết bạn đã làm được điều gì cho cuộc sống hay chưa, hãy hỏi bạn đã tác động như thế nào đến thế giới xung quanh trong tháng qua.

Những câu hỏi nhỏ này có thể tập trung vào những điều tích cực mà bạn đã thực hiện, trong khi những mặt tích cực này thường bị bỏ qua khi chúng ta cố tình tìm đáp án cho những câu hỏi lớn.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Bạn có thể tự mình vượt qua cuộc khủng hoảng hiện sinh mà không cần bác sĩ. Nhưng nếu các triệu chứng không biến mất hoặc trầm trọng hơn, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc nhà trị liệu. Các chuyên gia có thể giúp bạn đối phó với khủng hoảng thông qua liệu pháp trò chuyện hoặc liệu pháp hành vi nhận thức.

Tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức nếu bạn có ý định tự tử. Tuy nhiên, kể cả khi khủng hoảng chưa tệ đến mức này, các chuyên gia vẫn có thể giúp bạn giải quyết những lo lắng, trầm cảm hoặc ám ảnh nghiêm trọng.

Bất cứ ai cũng đều có nguy cơ đối diện với khủng hoảng hiện sinh. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua nó bằng tư duy và biện pháp phù hợp. Đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý nếu bạn có bất cứ cảm xúc tiêu cực hoặc vướng mắc nào khó loại bỏ.