Năng lực cạnh tranh (Competitiveness) là gì? Các cấp độ năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh

Khái niệm

Năng lực cạnh tranh trong tiếng Anh là Competitiveness.

Năng lực cạnh tranh là thể hiện thực lực và lợi thế của chủ thể kinh doanh so với đối thủ cạnh tranh trong việc thỏa mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ngày càng cao hơn. Năng lực cạnh tranh phải so với đối thủ cạnh tranh cụ thể, sản phẩm hàng hóa cụ thể trên cùng thị trường và cùng thời gian.

Năng lực cạnh tranh được xem xét ở ba cấp độ khác nhau, bao gồm năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Năng lực cạnh tranh quốc gia

Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu định nghĩa: Năng lực cạnh tranh quốc gia là khả năng của nước đó đạt được những thành quả nhanh và bền vững về mức sống, nghĩa là đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao xác định sự thay đổi tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người theo thời gian.

Ở cấp độ quốc gia, khái niệm năng lực cạnh tranh có ý nghĩa là năng suất sản xuất quốc gia. Năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào năng suất sử dụng nguồn lực con người, tài nguyên vè vốn của một quốc gia, bởi chính năng suất xác định mức sống bền vững thể hiện qua mức lương, tỉ suất lợi nhuận từ vốn bỏ ra, tỉ suất lợi nhuận thu được từ tài nguyên thiên nheien.

Năng lực cạnh tranh không phải là việc một quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực gì để thịnh vượng mà là quốc gia đó cạnh tranh hiệu quả như thế nào trong các lĩnh vực.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên việc khai thác, sử dụng thực lực và lợi thế bên trong, bên ngoài nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn người tiêu dùng để tồn tại và phát triển, thu được lợi nhuận ngày càng cao và cải tiến vị trí so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

– Chất lượng, khả năng cung ứng, mức độ chuyên môn hóa các đầu vào

– Các ngành sản xuất và dịch vụ trợ giúp cho doanh nghiệp

– Yêu cầu của khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ

– Vị trí của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh

Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

– Thị phần: thị phần được hiểu là phần thị trường mà doanh nghiệp chiếm giữa trong tổng dung lượng thị trường. Chỉ tiêu này càng lớn, nói lên sự chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp càng rộng.

– Năng suất lao động: được xác định theo chỉ tiêu hiện vật hoặc giá trị. Thông qua năng suất lao động ta có thể đánh giá được trình độ quản lí, trình độ lao động và trình độ công nghệ của doanh nghiệp.

– Lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận: Lợi nhuận là một phần dôi ra của doanh thu sau khi đã trừ đi các chi phí dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận được coi là một chỉ tiêu tổng hợp đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

– Uy tín của doanh nghiệp: Doanh nghiệp nào có uy tín sẽ có nhiều bạn hàng, nhiều đối tác làm ăn và nhất là có một lượng khách hàng rất lớn. Trong kinh tế thị trường, yếu tố nổi bật nhất để đánh giá uy tín của doanh nghiệp đó là thương hiệu.

Năng lực cạnh tranh sản phẩm

Lí thuyết thương mại truyền thống đã xem xét năng lực cạnh tranh của một sản phẩm thông qua lợi thế so sánh về chi phí sản xuất và năng suất so với đối thủ cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm được đo bằng thị phần của sản phẩm cụ thể trên thị trường. Cạnh tranh sản phẩm thể hiện những lợi thế của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh.

Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm

Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm bao gồm các chỉ tiêu cơ bản và các chỉ tiêu cụ thể.

Các chỉ tiêu cơ bản bao gồm giá thành và giá cả sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối và uy tín doanh nghiệp.

Các chỉ tiêu định lượng bao gồm những chỉ tiêu cơ bản: thị phần của sản phẩm trên thị trường trong từng năm so với đối thủ cạnh tranh; mức sản lượng, doanh thu tiêu thị của mặt hàng đó trong từng năm so với đối thủ cạnh tranh; mức chênh lệch về giá của mặt hàng so với đối thủ cạnh tranh.

Các chỉ tiêu định tính bao gồm những chỉ tiêu cơ bản: mức chênh lệch về chất lượng của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh; mức độ hấp dẫn của sản phẩm về mẫu mã, kiểu cách so với các đối thủ cạnh tranh; ấn tượng về hình ảnh nhãn hiệu hàng hóa của nhà sản xuất ra mặt hàng đó so với hàng hóa cùng loại của các đối thủ cạnh tranh.

Mối quan hệ năng lực cạnh tranh giữa các cấp độ

Giữa năng lực cạnh tranh các cấp độ có mối quan hệ ảnh hưởng qua lại với nhau rất chặt chẽ. Năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện cần thiết để các ngành, các doanh nghiệp và sản phẩm phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.

Môi trường kinh tế càng tự do thể hiện cơ chế chính sách càng thông thoáng thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm càng cao.

(Theo Giáo trình Kinh doanh thương mại , NXB Đại học Kinh tế quốc dân)