Điểm danh 7 công việc phù hợp với người khuyết tật

Cũng như mọi lực lượng lao động khác trong xã hội, người khuyết tật luôn mong muốn tìm được công việc ổn định để nuôi sống bản thân. Nhưng học nghề đã khó, quyết định chọn một nghề thích hợp cho mình lại càng khó hơn. Thấu hiểu được những trăn trở này, Tuyencongnhan.vn chia sẻ danh sách 7 công việc phù hợp với người khuyết tật giúp mọi người vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay lực lượng lao động khuyết tật chiếm tỉ lệ không nhỏ tại nước ta, và khi kinh tế phát triển, nhiều việc làm mở rộng cũng giúp đối tượng này có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Cùng điểm danh 7 công việc phù hợp với người khuyết tật.

1. Nhân viên nhập liệu

Nhập liệu là một trong những công việc phù hợp với người khuyết tật nhất. Những ai gặp phải khó khăn đi lại có thể chọn nhập liệu vì việc này vẫn làm tại nhà được. Thông thường, nhân viên nhập liệu cần đạt một số yêu cầu: có kỹ năng đánh máy tốt, biết cách sử dụng các phần mềm chuyên ngành để nhận dạng và nhập thông tin, nhập dữ liệu chính xác, có tính kiên nhẫn vì các bước làm việc được lặp đi lặp lại.

Công việc nhập liệu cần thiết ở nhiều lĩnh vực khác nhau như bán hàng, marketing, y tế, giáo dục… Đối với những việc liên quan đến dữ liệu, con số như thế này thì đòi hỏi người khuyết tật cần phải có tính tỉ mỉ, cẩn trọng. Ngoài ra, trình độ tiếng Anh cơ bản cũng là một lợi thế giúp nhân viên nhập liệu là người khuyết tật hoàn thành được nhiều tài liệu công ty cần.

2. Lập trình viên

Với tỉ lệ tăng trưởng công việc lên đến 47%, ngành công nghệ thông tin có rất nhiều cơ hội làm việc dành cho người khuyết tật. Có thể hiểu lập trình viên là người thiết kế, xây dựng, bảo trì, sửa lỗi và nâng cấp các phần mềm máy tính bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau.

Những người khuyết tật muốn theo học lập trình viên có thể đăng ký vào khoa Công nghệ thông tin của nhiều trường đại học uy tín. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin cũng mở lớp Lập trình viên cho thanh thiếu niên khuyết tật. Ngoài ra, các trường đại học như Duy Tân, Đông Á, Bách Khoa… trên cả nước cũng ưu tiên hỗ trợ học phí đối với sinh viên khuyết tật khi theo học Công nghệ Thông tin tại đây.

Ngày nay, nhiều công ty không quan tâm đến ứng viên bị khuyết tật hay không, điều mà họ cần là bạn có thể làm được gì cho họ. Người khuyết tật khi nắm được bằng, chứng chỉ công nghệ thông tin trong tay có thể làm việc tại các công ty phần mềm, công ty cung cấp giải pháp tích hợp, an ninh mạng… Hoặc nếu giỏi hơn, người khuyết tật có thể nhận riêng các dự án về làm như chạy chương trình, bảo trì và quản lý website…

Đối với công việc lập trình thì đòi hỏi cần có đầu óc, trình độ chuyên môn cao. Vì vậy người khuyết tật muốn làm ở mảng này cần có nghị lực, kiên nhẫn, trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu mới có thể làm việc được.

3. Nhân viên thiết kế đồ họa

Đa phần khả năng giao tiếp của người khuyết tật thường không tốt lắm. Vì vậy đồ họa là một gợi ý đáng quan tâm trong 7 công việc phù hợp với người khuyết tật khi tìm việc. Những yêu cầu của công việc này là:

  • Thiết kế đồ họa là lĩnh vực thiên về nghệ thuật nên người làm trong ngành này phải có kiến thức về bố cục, màu sắc, hình ảnh. Đặc biệt, mắt thẩm mỹ và óc sáng tạo cũng là yếu tố cần thiết mà nhân viên thiết kế đồ họa cần có.

  • Công việc đồ họa chủ yếu làm việc trên máy tính, vì vậy đòi hỏi người khuyết tật phải có hiểu biết về công nghệ, thực hiện thao tác bàn phím thành thạo.

  • Am hiểu về phần mềm đồ họa, nhanh nhẹn để hoàn thành các công việc được giao đúng hẹn với đối tác.

Người khuyết tật muốn làm thiết kế đồ họa thì có thể tìm các công việc tự do về làm tại nhà. Một số website hỗ trợ các Freelancer Designer tìm việc thiết kế đồ họa như: Vlance.vn, Freelancerviet.com, Vietdesigner.net, Upwork.com, Freelancer.com…

4. Công nhân may

Nghề may không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như lập trình viên hay nhân viên thiết kế đồ họa, nhưng lại cần có sự tỉ mỉ, khéo léo. Nếu là thợ chính thì bắt buộc người khuyết tật phải sử dụng cả tay và chân để kết hợp với máy móc cho ra sản phẩm hoàn thiện. Hoặc những ai kém may mắn hơn một chút có thể xin vào làm ở các công đoạn cắt vải, khuy nút, phân loại sản phẩm…

Có rất nhiều trung tâm nhận dạy nghề may cho người khuyết tật, quá trình đào tạo đơn giản, không mất nhiều thời gian. Vì vậy đây cũng là một sự lựa chọn tốt trong 7 công việc phù hợp cho người khuyết tật.

5. Làm đồ thủ công, handmade

Khi nhắc đến đồ thủ công thì chắc chắn ai cũng nghĩ đến sự sáng tạo, chỉn chu trong từng đường nét. Những người có đôi tay lành lặn và thích sáng tạo thường tìm đến công việc này. Tương tự như nghề may, nếu khéo léo, tỉ mỉ một chút, người khuyết tật cũng làm được những món đồ handmade đẹp mắt để bán ra thị trường.

Muốn có được mức thu nhập ổn định khi làm đồ thủ công, người khuyết tật cần cẩn thận, chăm chỉ, kiên trì, luôn tìm tòi những cái mới, nhanh nhẹn bắt kịp xu thế hiện đại để tạo ra những sản phẩm nổi bật. Tại Việt Nam, nhiều xưởng đồ thủ công của người khuyết tật phát triển khá ổn định và được nhà nước tạo điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài. Một số đồ thủ công mà người khuyết tật thường làm như đan lát, mây tre, đan len, tranh thêu, tranh đính đá, vòng xâu…

6. Nghề làm tăm

Trong 7 công việc phù hợp với người khuyết tật còn có nghề làm tăm. Đây là một trong những nghề quen thuộc dành cho người khuyết tật, nhất là người khiếm thị. Công việc này khá đơn giản, không cần trình độ, thời gian làm việc linh động.

Bên cạnh sản xuất tăm, người khuyết tật còn có thể mang chính sản phẩm của mình làm ra để bán dạo vào những lúc rảnh rỗi. Trên thực tế có nhiều người đã sống chủ yếu bằng nghề này và thu nhập của họ cũng rất ổn.

7. Nghề làm hương

Tại các trung tâm dạy nghề, bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam thường bố trí máy móc hỗ trợ người khuyết tật làm hương. Cũng như làm tăm, người lao động khuyết tật không bỏ ra quá nhiều sức lực vào việc này. Nhu cầu sử dụng hương trên thị trường hiện nay khá cao, người khuyết tật không cần phải lo lắng quá về giá cả sản phẩm, đầu ra.

Cùng với đó còn rất nhiều công việc khá phổ biến dành cho người khuyết tật như viết lách, massage – bấm huyệt, tổng đài viên… Nếu chịu khó theo đuổi, người khuyết tật có thể chọn được việc phù hợp và gắn bó suốt đời, giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

Hiện nay, công tác ưu tiên dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật ngày càng được nhà nước quan tâm. Có thể tham khảo danh sách một số trường đào tạo nghề trên cả nước dành cho người khuyết tật sau đây: Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập của người khuyết tật tại Hà Nội, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật thuộc Hội Bảo trợ người Tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm REACH Đà Nẵng, Trung Tâm Bảo Trợ – Dạy Nghề và Tạo Việc Làm Cho Người Tàn Tật Thành Phố Hồ Chí Minh…

Trên đây là 7 công việc phù hợp với người khuyết tật và danh sách các trường đào tạo nghề, hy vọng những ai đang còn loay hoay chưa biết lựa chọn con đường tương lai có thể tìm được cho mình một công việc tốt, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Ms.Công nhân