Hiện tượng nở rộ các nhà chế tạo &quotchân đất&quot: Khoa học tiến hay lùi?

“Kỹ sư” không bằng cấp

Xuất phát từ mong muốn giúp vợ mình và bà con làng dệt chiếu thủ công An Hiệp đỡ cơ cực, anh nông dân Nguyễn Văn Long (ấp Thuận Diễn, An Hiệp, Châu Thành, Bến Tre) đã mô phỏng cách kéo tay dệt và cách luồn sợi lác của người phụ nữ bằng máy.

Ban đầu, Long chế tạo nó bằng các vật liệu thô sơ như gỗ, sắt… thu gom được. Sau khi có mô hình, Sở KHCN tỉnh Bến Tre mới đến và khảo nghiệm, rồi hỗ trợ anh 19 triệu đồng để chế tạo một chiếc máy hoàn chỉnh. Long cho biết: “Trung bình hai người thợ – một dệt, một luồn lác – dệt được bốn tấm chiếu mỗi ngày nhưng bây giờ có máy, chỉ cần một thợ đứng máy một ngày là có thể dệt được từ 5-15 tấm chiếu”.

Còn chiếc máy bóc vỏ và tách hạt ngô của anh Huỳnh Thái Dương (xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) lại có hoàn cảnh ra đời khá ngộ nghĩnh. Trong một lần đến huyện Tánh Linh vào đúng dịp thu hoạch ngô, thấy bà con nông dân phải dùng tay bóc vỏ, cạy hạt đến bật móng, chảy máu, Dương nghĩ “Lúa tuốt được bằng máy, tại sao ngô phải làm tay?”. Vậy là anh bắt tay nghiên cứu làm thử trên cơ sở chiếc máy tuốt lúa. Đến lần thử nghiệm thứ bảy thì thành công.

Chiếc máy ra đời mỗi giờ tách được 4-5 tấn hạt mà tiêu hao chỉ 1,5 lít dầu, hao hụt lại rất thấp, chỉ 3 kg/tấn hạt. Từ ngôi nhà ở làng quê xã Hàm Đức, đến nay đã có khoảng 500 máy bóc vỏ, tách hạt gắn “mác” Huỳnh Thái Dương hiện diện trên các đồng ngô ở Việt Nam.

Đến giờ, cả làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi – TP Hồ Chí Minh) cũng chưa hết xôn xao, trầm trồ tài nghệ của anh Ba Phận (Lâm Văn Phận, ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Hòa Đông). Vì hoàn cảnh khó khăn, anh đành bỏ ngang bậc tiểu học, đi làm công nhân cho một xí nghiệp sản xuất bánh tráng có dây chuyền nhập từ Thái-lan. Khi thất nghiệp trở về làng bánh tráng Phú Hòa Đông, Ba Phận nghĩ ngay đến chuyện chế máy làm bánh tráng theo mẫu của Thái. Vật lộn mấy tháng trời, chiếc máy cũng ra đời. Với giá thành chỉ tử 60 – 70 triệu đồng, máy của Ba Phận chiếm lĩnh các làng nghề bánh tráng xuất khẩu ở huyện Củ Chi và tỉnh Tây Ninh.

Mừng, khuyến khích, nhưng…

Mới dây, tại hội chợ Techmart 2005 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, 15 gian hàng của 15 “nhà khoa học chân đất” đã thu hút khách tham quan chẳng kém gì hàng nghìn thiết bị công nghệ của các nhà khoa học chính quy tham gia triển lãm.

Tuy nhiên, lâu nay dường như chúng ta quá thổi phồng các sáng chế của nông dân mà quên đi mặt trái của sự việc. Theo tiến sĩ Nguyễn Như Nam, Khoa Cơ khí – Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, một chuyên gia lâu năm trong ngành cơ giới nông nghiệp, những sáng chế “tay ngang” đều dựa trên những sáng chế đã có trước của các nhà khoa học. Cái khác là máy do nông dân làm ra “gần” với điều kiện sử dụng cụ thể hơn, vận hành thuận tiện nhờ tinh giảm một số chức năng của máy gốc. Và yếu tố thuyết phục nhà nông mua máy là giá rẻ. Thế nhưng, sẽ rất lãng phí, kém hiệu quả nếu cứ để các “tay ngang” chăm chăm đi chế tạo những cái đã có trước đó hàng chục năm.: Nếu có một cơ chế để nông dân hợp tác với nhà khoa học thì mọi việc sẽ tốt hơn nhiều. Do vậy, nếu không nhìn thấy cái hại của chuyện để nông dân “tự bơi” thì không khéo lại cổ súy cho phong trào hình thành “đại công trường” sáng chế sản phẩm cấp thấp.