Chó cắn chủ và hướng dẫn để chủ kết thân với chó – Fonti

Bất kỳ ai yêu chó cũng vui mừng khi có chó bầu bạn hay thất vọng khi chó cắn chủ. Cái cảm giác khi bạn đang trong một mớ hỗn độn và rồi em chó xuất hiện với đôi mắt như biết nói, vẻ mặt đầy thấu cảm, tựa đầu lên đùi bạn và mang đến sự thư thái bình yên? Nhưng không may làm sao, bạn chợt nhận ra chú chó nhà mình không “dễ chịu” như chú chó trên mạng. Trái ngược với sự hào hứng và gần gũi của bạn, chú chó cứ thờ ơ, xa cách, không chịu vâng lời khi bạn huấn luyện. Thậm chí chó cắn chủ để tỏ thái độ chống đối và sủa inh ỏi khắp nhà.

  • Muốn nhận nuôi chó con, hãy chuẩn bị theo kế hoạch này
  • Liệu bạn có phù hợp để nuôi chó husky?
  • Huấn luyện chó: Phạt một chú chó sau khi “phạm tội” có hiệu quả?

Nguyên nhân khiến chó cắn chủ

Đôi khi giữa chó và người cũng cần các giai đoạn điều chỉnh hành vi và cảm xúc. Nên cứ mỗi khi bạn dợm nghĩ “Chú chó này chẳng thích mình gì cả”, hãy tự nhắc bản thân nhớ rằng loài chó chỉ đang cần thêm thời gian để làm quen với chủ. Cần phải kiên nhẫn để gây dựng niềm tin và thói quen. Thế nên, bạn chỉ cần giữ vững vai trò của thủ lĩnh đầu đàn và chú chó sẽ dần nồng nhiệt hơn với bạn.

Nhưng nếu như bạn đã nuôi chó từ lâu, và rồi bỗng dưng bạn nhận thấy “Có vẻ nó không còn thích mình nữa rồi”. Sự thay đổi trong một mối quan hệ gắn bó lâu dài như vậy thì thật đáng lo ngại.Khi đang bị bệnh, chó có thể có những biểu hiện lạ như chán ăn, ủ rũ…nên rất có thể đây là lý do. Đừng ngần ngại mang thú cưng nhà mình đến gặp bác sĩ thú y.

Tuy thế, sức khỏe không phải là xuất phát điểm duy nhất của một mối quan hệ lạnh lùng. Bỗng nhiên, một chú chó cắn chủ sau đó thể hiện sự cách xa đối với bầy đàn có thể đang trải qua một loạt các trạng thái cảm xúc như là sự ghen tị, lo lắng hay trầm cảm. Môi trường nhà bạn dạo gần đây có gì khác biệt không? Có lẽ ai đó đang chuyển về sống chung nhà với bạn chăng (hay rời đi)? Bạn không còn đi dạo với chó nhiều như đó giờ? Bất cứ thay đổi nào trong thói quen, kể cả những gì nhỏ nhặt, có thể là nguồn cơn khiến một chú chó ghét chủ của mình.

Bên cạnh đó, nguyên tắc tối quan trọng là bạn cũng đừng quên tôn trọng cá tính riêng của loài chó. Và đừng chỉ nghĩ “Chắc là nó hết thích mình rồi” trong khi sự thật là bản tính của chúng khác hẳn kỳ vọng của loài người.

Một ví dụ điển hình từ trang Vetstreet: “Vài chú chó thích được cưng nựng và vỗ về nhưng có những loài chỉ chịu được một hai cái đụng chạm. Nếu chú chó nhà bạn không ưng được chiều chuộng mà bạn thì cứ hay chạy xộc đến ôm ấp, lẽ dĩ nhiên là chúng sẽ chừa bạn ra.”

Cuối cùng là, tuổi tác cũng đánh dấu một vai trò quan trọng trong sự xa cách. Một chú cún hoạt bát đang dần bước đến tuổi già có lẽ sẽ ưa nằm ườn trên sàn thay vì chạy nhong nhong theo trái bóng. Một chú chó thay đổi hành vi không có nghĩa là chú ta không còn muốn dành thời gian bên bạn nữa mà có lẽ chú đang tập thích nghi với tuổi già đấy thôi.

Mẹo làm sao để chó quý chủ

Khi bạn phát hiện ra hành vi ghét chủ nhân ở chó nhà mình, phải hành động ngay. Không gì thất vọng cho bằng em chó bạn hí hửng chọn về nuôi lại có ngày cắn chủ. Có rất nhiều cách để bạn có thể kết thân hay xây dựng lại mối quan hệ với chú chó của mình. Sau đây là những gợi ý để hai bạn có thể thực sự hòa hợp với nhau.

1. Dành thời gian giúp chó làm quen chủ mới

Bên cạnh việc cho ăn và săn sóc sức khỏe, điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho chú cún của mình là dành thời gian huấn luyện. Khi bắt đầu nhận nuôi một chú chó hẳn bạn sẽ tự hỏi làm cách nào để chó quen chủ mới? Hãy bắt đầu bằng việc âu yếm và trò chuyện với chú, tắm rửa chải lông. Đừng ngại ngần lăn ra sàn và đùa giỡn cùng chú chó nhà mình để chú dần quen với sự hiện diện của bạn.

Nếu bạn dành cho chó nhà mình sự quan tâm chân thành, bạn sẽ không nhận được gì khác ngoài sự gắn bó mạnh mẽ. Và khi chó nghĩ rằng bạn là một người chủ vui tính tận tình, chú sẽ dần loại bỏ cảm giác “ghét” hay ý định cắn chủ mà càng cố gắng nhiều hơn để làm vui lòng bạn.

Các bài huấn luyện là cơ hội để giống chó chứng tỏ mình thông minh nhường nào. Loài chó vốn thích dùng não để vận động, nhưng đáng buồn thay nhiều chủ lại từ bỏ việc huấn luyện chó ngay khi thú cưng của họ chỉ mới thành thạo các câu lệnh đơn giản. “Giáo dục thường xuyên” thông qua các bài tập thông minh giúp cả chủ và chó cùng đồng lòng hướng về một mục tiêu mà không phải sống dưới áp lực của sự hoàn hảo. Ngoài ra, xét về góc độ cá nhân thì huấn luyện chó mang lại cho bạn cơ hội tuyệt vời để cải thiện khả năng lãnh đạo và làm việc nhóm.

Đọc thêm:

  • Mẹo huấn luyện chó và 3 câu lệnh đơn giản cho người mới bắt đầu.
  • Ban nên chọn nuôi giống chó gì: husky, poodle hay một giống chó khác?
  • Top 5 giống chó thông minh giá rẻ được nuôi phổ biến

2. Khen thưởng thường xuyên để gợi cảm xúc tích cực

Có lẽ bạn sẽ không ngừng ngợi khen chú chó nhà khi bạn vừa mới nhận nuôi chó, nhưng còn về sau này thì sao? Khen ngợi một chú cún là cách cực kỳ dễ để chú thấy là bạn trân quý chú ra sao và khuyến khích chú luyện tập các bài huấn luyện tốt hơn.

Có vô số cơ hội thường ngày để bạn có thể khen thưởng bằng đồ chơi hoặc bánh thưởng chó. Khi chú đi vệ sinh đúng chỗ, không nhảy nhót lung tung ở chốn công cộng, đi đứng vừa phải khi dạo bộ với bạn, khi chú không sủa gây với chó hàng xóm, và khi chú lặng yên chờ bạn đổ đầy bát thức ăn cho chú. Lời khen không cần phải “sến” tận chín tầng mây, chỉ một câu đơn giản “Đúng rồi, giỏi lắm!” đi cùng nụ cười rạng rỡ là đã đủ để chó quý chủ.

3. Chơi trò chơi để tạo sự gắn kết

Chơi với chú chó không chỉ là việc cả hai “dần” nhau một trận cho mệt. Hòa vào cuộc vui và chơi như thể cả hai thực sự là bạn bè của nhau. Đừng chơi với tâm lý sợ hãi về khả năng em chó cắn chủ. Đây là một cách tuyệt vời để đẩy nhanh quá trình kết thân và củng cố nhận thức cho chó rằng bạn chính là người đến mang niềm vui. Hãy sáng tạo và làm chó bất ngờ với những trò độc đáo, chú chó của bạn sẽ không biết trò gì sẽ diễn ra tiếp theo đâu.

  • Nếu chó thích chơi trò ném banh, hãy gia tăng độ thú vị bằng cách sử dụng nhiều loại bóng, hay ném nhiều quả thay vì chỉ một để bóng không ngừng xuất hiện quanh chú chó.
  • Huấn luyện chó nguyên tắc chơi kéo co (thả và nắm theo lệnh của bạn) và thử nhiều loại đồ chơi kéo co. Nhưng nếu chú chó nhà bạn có phần háo thắng, có lẽ bạn nên bỏ qua và chơi thử trò tiếp theo.
  • Lắp một dây cót phía sau món đồ chơi ưa thích của chú chó và để chú đuổi theo sau như một con mèo.
  • Chơi trò trốn tìm, để chú phải tìm kiếm bạn khắp ngôi nhà và trong sân.
  • Thử giấu một món đồ của chú và khiến chú phải dùng khứu giác của mình để tìm ra chúng.

Cốt lõi của các trò chơi gắn kết đội hình là hai bên cam kết chơi bằng cả sự háo hức và tập trung của mình. Vì vậy hãy cất điện thoại đi và nhào vô chơi nào!

Dù chú chó của bạn trung thành thế nào thì cũng rất có thể chú chó đó cắn chủ của mình. Vậy nên, bí quyết là hãy giữ sự bình tĩnh trong quá trình nuôi dạy và huấn luyện chó. Hãy cho chúng thời gian để thích nghi với môi trường cũng như tìm hiểu lý do thực sự. Không phải vô cớ mà chó có những hành vi xung đột như cắn chủ. Chó cũng như người, luôn có thay đổi tâm lý và cần đến tình yêu thương.