Các loại kích xe ô tô phổ biến và cách kích xe an toàn đúng kỹ thuật

Kích xe ô tô là thiết bị tối thiểu cần có trong các trung tâm sửa chữa xe ô tô. Bên cạnh đó, thiết bị kích gầm xe ô tô cũng được đa số hãng xe trang bị sẵn trên những chiếc ô tô của mình để chủ xe có thể tự thực hiện thao tác kiểm tra, sửa chữa trong các tình huống đơn giản, hay công tác cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp.

1. Các loại kích xe ô tô phổ biến

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kích xe ô tô như kích thủy lực, kích chữ A, kích cá sấu,… Mỗi loại sẽ có những ưu nhược điểm riêng nên người dùng cần xem xét nhu cầu, điều kiện để chọn loại kích phù hợp.

1.1. Kích ô tô thủy lực

Kích ô tô thuỷ lực hay còn gọi là kích thuỷ lực piston. Đây là loại kích gầm xe sử dụng sức đẩy của áp suất dầu thuỷ lực để nâng gầm xe. Có 3 loại phổ biến là kích thủy lực hoa khế, xi lanh phụ và kích thủy lực khí nén.

Kích thuỷ lực hoa khế được bơm dầu bằng tay hoặc đạp chân thông qua sự chuyển dịch ăn khớp của các bánh răng.

Kích thuỷ lực xi lanh phụ sẽ được bơm dầu bằng tay hoặc đạp chân thông qua 1 – 2 xi lanh phụ.

Kích thuỷ lực khí khi nén không sử dụng sức người như 2 loại trên mà được bơm dầu thông qua một máy nén khí. Một số loại kích ô tô khí nén sẽ kết hợp giữ bơm khí và dùng tay.

– Ưu điểm:

  • Độ bền cao và ít bị hư hỏng;
  • Thiết kế nhỏ gọn, có tính cơ động cao;
  • Cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng.

– Nhược điểm:

  • Các loại cần dùng sức người để bơm dầu sẽ tốn thời gian hơn.
kích xe ô tô thủy lực
Kích xe ô tô thủy lực thiết kế nhỏ gọn và dễ sử dụng (Nguồn: Sưu tầm)

1.2. Kích ô tô cá sấu

Kích ô tô cá sấu có thiết kế phần thân ngang, nằm sát sàn, có lắp thêm bánh xe nên dễ đưa vào gầm xe. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của kích ô tô cá sấu tượng tự kích thủy lực.

– Ưu điểm:

  • Có thể đưa sâu vào bên trong gầm xe;
  • Dễ dàng di chuyển vì có bánh xe;
  • Diện tích tiếp xúc với mặt đất rộng nên tăng sự chắc chắn.

– Nhược điểm:

  • Thiết kế cồng kềnh và chiếm diện tích cất giữ.

1.3. Kích xe ô tô chữ A

Tên gọi khác của kích chữ A là kích ô tô cắt kéo. Loại kích này có cấu tạo đơn giản và hoạt động chủ yếu dựa trên lực tay quay.

– Ưu điểm:

  • Thiết kế nhỏ gọn nên tính cơ động cao;
  • Cách sử dụng khá đơn giản;
  • Giá thành không cao.

– Nhược điểm:

  • Dùng sức tay nhiều.
kích xe ô tô chữ A
Loại kích xe ô tô chữ A và kích cá sấu có độ bền cao, kích thước nhỏ gọn, giá thành khá rẻ phù hợp sử dụng tại nhà riêng (Nguồn: Sưu tầm)

1.4. Kích xe ô tô bằng điện

Loại kích này hoạt động trên cơ sở sử dụng nguồn điện 12V lấy trực tiếp từ xe. Ngoài công dụng kích nâng gầm xe, kích ô tô bằng điện còn có thể tháo lắp ốc bánh xe, bơm lốp xe,…

– Ưu điểm:

  • Thiết kế nhỏ gọn, nhẹ và tính cơ động cao;
  • Không cần phải dùng sức tay;
  • Có nhiều công dụng như nâng hạ gầm ô tô, bơm lốp xe, tháo lắp ốc,…

– Nhược điểm:

  • Cần dùng điện của xe hoặc ắc quay mới hoạt động;
  • Không phù hợp với các xe có trọng lượng quá nặng.
kích xe ô tô bằng điện
Kích ô tô bằng điện có nhiều công dụng khác nhau (Nguồn: Sưu tầm)

2. Trường hợp cần kích gầm xe ô tô

Rất nhiều trường hợp xe bị hư hỏng đều cần kích xe ô tô để kiểm tra và sửa chữa như thay dầu cho động cơ, tháo mâm xe, thay lốp xe,… Nắm chắc kỹ thuật kích xe ô tô an toàn để dễ dàng xử lý hơn trong các tình huống khẩn cấp.

thay lốp với kích xe ô tô
Kích xe ô tô bằng kích chữ A để thay lốp xe khi gặp sự cố trên đường (Nguồn: Sưu tầm)

Tuy nhiên, cần hạn chế việc kích xe ô tô trên đường cao tốc hay trên dốc để tránh nguy hiểm và không gây cản trở giao thông. Nếu gặp sự cố trên đường cao tốc, lái xe nên cố gắng dừng xe tại làn khẩn cấp và gọi cứu hộ giao thông. Nếu gặp sự cố và phải dừng xe giữa dốc, người lái cần chú ý xoay bánh xe sang hướng lề đường và khóa bánh sau lại để tránh xe bị trôi dốc.

>>> Tìm hiểu thêm: Các loại khung gầm xe ô tô phổ biến hiện nay

3. 6 bước kích xe ô tô an toàn

3.1. Bước 1: Xác định vị trí đặt kích xe ô tô

Đầu tiên cần phải xác định chính xác vị trí đặt kích dưới gầm xe. Để thực hiện đúng thao tác này, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng xe của nhà sản xuất, tránh trường hợp xác định sai vị trí đặt kích xe không những không thể nâng xe lên mà còn có thể làm vỡ, hỏng vỏ xe.Các điểm đặt kích thường được đánh dấu sẵn trên khung xe, nằm ở phía sau bánh trước hoặc phía trước bánh sau khoảng 15-20 cm. Người thực hiện có thể xác định bằng tay hoặc quan sát bằng mắt kết hợp tham khảo sách hướng dẫn để phát hiện đúng vị trí cần đặt kích.

cách đặt kích xe ô tô
Xác định vị trí đặt kích xe để đảm bảo kích không bị trượt ra ngoài khi đang sửa chữa (Nguồn: Sưu tầm)

3.2. Bước 2: Chọn hướng hợp lý để đặt kích xe ô tô

Khi đưa kích vào dưới gầm xe, người sửa cần đảm bảo bát đỡ trùng với điểm kích xe đã xác định. Sau khi đặt kích, nên điều chỉnh lại vị trí của kích vì góc của xe ô tô có thể bị thay đổi sau khi nâng xe lên. Việc điều chỉnh lại vị trí sẽ đảm bảo kích không bị trượt ra. Nếu đặt sai vị trí, kích sẽ không thể nâng xe đủ lâu, có thể gây hỏng hóc xe thậm chí nguy hiểm cho người sửa xe.

3.3. Bước 3: Thực hiện thao tác nâng xe với kích

Mỗi loại kích khác nhau sẽ có cách sử dụng khác nhau:

– Kích cá sấu thủy lực: tay cầm được đặt ở đuôi kích. Khi sử dụng, vặn tay kích hết cỡ theo chiều kim đồng hồ để khóa van dầu, sau đó giật tay lên xuống để nâng kích. Một số loại kích có thể dùng chân đạp.

– Kích chữ A: luồn tay quay lỗ giữa thân kích, sau đó quay theo chiều kim đồng hồ để kích gầm xe ô tô. Một số kích chữ A có sử dụng điện thì có thể kết nối với nguồn điện trên xe ô tô.

– Kích sử dụng điện: kết nối kích với nguồn điện trên xe và bật công tắc để kích hoạt động.

3.4. Bước 4: Sử dụng mễ kê

sử dụng mễ kê để kích xe ô tô
Đặt mễ và cố định để đảm bảo an toàn (Nguồn: Sưu tầm)

Mễ kê là thiết bị hỗ trợ khi nâng hạ xe ô tô, giúp cố định khung xe để đảm bảo an toàn cho người sửa chữa ô tô. Đặt mễ kê vào những điểm gần kích chính, điều chỉnh mễ kê ở mức cao nhất và khóa cố định lại để đảm bảo an toàn trong quá trình sửa chữa. Chú ý chiều cao của các mễ kê phải cân bằng. Sau đó, hạ chiều cao kích chính bằng cách vặn tay kích ngược chiều kim đồng hồ để xe tựa vào chân kê.

3.5. Bước 5: Kiểm tra độ vững chắc của xe

Sau khi đưa kích và đặt mễ kê dưới gầm, người thực hiện cần kiểm tra độ cố định và chắc chắn bằng cách lắc xe nhiều lần tránh trường hợp sập gầm ô tô. Nếu thấy xe chưa cố định thì cần phải điều chỉnh lại các thiết bị nâng và điểm nâng.

3.6. Bước 6: Hạ kích xe ô tô an toàn

Để hạ kích xe sau khi hoàn thành việc sửa chữa, việc đầu tiên cần làm chính là bỏ mễ kê ra trước. Sau đấy, hạ kích xe từ từ đến khi bánh xe chạm mặt đất. Cuối cùng đưa kích ra khỏi gầm xe ô tô và gỡ bỏ vật chặn bánh.

4. Những lưu ý khi kích xe ô tô

cách đặt kích xe ô tô
Đỗ xe ở vị trí bằng phẳng rồi mới đặt kích xe ô tô cho chắc chắn, tránh bị sập gầm (Nguồn: Sưu tầm)

Để đảm bảo an toàn, người lái nên chọn vị trí đỗ xe trên mặt đường nhựa hoặc đường bê tông bằng phẳng, không bị lún. Sau đó, cài số P đối với xe số tự động hoặc số 1 đối với xe số sàn.

Trường hợp sửa bánh xe sau, việc chốt chặn rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng trượt, trôi xe, người thực hiện có thể tận dụng gạch đá để chèn bánh. Trong quá trình nâng lên, cần kéo phanh tay và chốt chặn bánh xe đối diện cùng chiều ở thân xe tránh sập gầm.

Ngoài ra, chủ xe cần trang bị đầy đủ công cụ cần thiết: kích gầm, con đội, con chèn, đèn pin, găng tay bảo hộ và sách hướng dẫn sử dụng.

Việc kích xe ô tô không phải quá khó nhưng có thể chứa rủi ro. Do đó, người thực hiện cần nắm vững các thao tác kỹ thuật, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và đảm bảo an toàn tối đa trong quá trình thực hiện. Nếu chủ xe không có đủ dụng cụ và không biết cách để tự thực hiện được tại nhà, nên đưa xe đến những trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa xe uy tín.

Tham khảo thông tin và đặt mua các dòng xe ô tô của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast PresidentVinFast VF e34 hoặc gọi điện đến hotline 1900 23 23 89 để được hướng dẫn chi tiết.

>>> Xem thêm: Thiết bị nâng hạ ô tô là gì? Phân loại và cách sử dụng